Sự hình thành và phát triển

1. Quá trình hình thành và phát triển Ngân hàng Việt Nam:
 Ngày 06/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam - Ngân hàng của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Châu Á. Sự kiện trọng đại này đã mở đầu cho một thời kỳ lịch sử vẻ vang của quá trình phát triển nền tiền tệ độc lập và hoạt động Ngân hàng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Khi mới ra đời, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam có 6 nhiệm vụ chính:
  • Phát hành và điều hoà lưu thông tiền tệ;
  • Huy động vốn, điều hoà và mở rộng tín dụng trong nhân dân để phát triển kinh tế nhà nước;
  • Quản lý Ngân quỹ quốc gia;
  • Quản lý ngoại tệ và thực hiện thanh toán với nước ngoài;
  •  Quản lý kim dung bằng các thể lệ hành chính, thể lệ vàng bạc và thể lệ về quỹ của các doanh nghiệp quốc gia;
  • Đấu tranh tiền tệ với địch.
Ngày 21/1/1960, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Với tên gọi mới này, Nghị định số 171/CP ngày 26/10/1961 Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ “chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm quản lý tiền tệ và tín dụng theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ điều hoà lưu thông tiền tệ, thu chi tiền cho Ngân sách Nhà nước, huy động vốn và cho vay, thanh toán trong nước và ngoài nước, quản lý và kinh doanh ngoại hối; kiểm tra bằng đồng tiền hoạt động kinh tế và tài chính của các xí nghiệp, nhà máy của Nhà nước và của các tổ chức kinh tế nhằm phát huy chức năng tiền tệ và tín dụng xã hội chủ nghĩa, tăng cường chế độ hạch toán kinh tế, củng cố sức mua của đồng tiền, thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội”. Hệ thống Ngân hàng Việt Nam không chỉ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một ngành theo nhiệm vụ được giao, mà còn trực tiếp cống hiến cả xương máu với tinh thần "tử vì nghề", vừa công tác, vừa trực tiếp chiến đấu và bám trụ sẵn sàng chiến đấu. Trong suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt nam, thời kỳ nào cũng có cán bộ ngân hàng tình nguyện đi các chiến trường và làm nghĩa vụ quốc tế để bám dân, bám vùng giải phóng, thâm nhập vào vùng địch để "đấu tranh tiền tệ" với địch.

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng Việt Nam đã tạo ra những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc trong toàn hệ thống Ngân hàng Việt Nam, góp phần củng cố nền tiền tệ độc lập, tự chủ, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc tiến tới thống nhất đất nước, tiếp tục phát triển bền vững trong tình hình mới. Ngân hàng Nhà nước đã khởi xướng nhiều chính sách, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng, tăng cường năng lực tài chính và hiệu quả kinh doanh tiền tệ của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Hoạt động ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các ngành kinh tế chủ chốt. Bên cạnh việc cho vay thương mại đối với các tổ chức và cá nhân, vốn ngân hàng cũng là nguồn tài chính quan trọng để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như cho vay đối với hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế đáng kể sự chênh lệch giữa các vùng miền trong nước, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Hoạt động của Ngân hàng Khánh Hòa:

Từ ngày giải phòng miền Nam thống nhất đất nước, trong suốt 37 năm qua, Ngân hàng Khánh Hòa đã có nhiều đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, góp phần vào thành công của sự nghiệp đổi mới kinh tế đất nước nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Ngân hàng Khánh Hòa đã thiết lập một mạng lưới cung cấp dịch vụ ngân hàng phong phú, đa dạng, phục vụ mọi thành phần kinh tế; hiện nay, Ngân hàng Khánh Hòa có 35 Chi nhánh tổ chức tín dụng và 3 Quỹ tín dụng nhân dân, với 147 điểm giao dịch được phân bổ đến các huyện, thị, vùng nông thôn.…       
Trụ sở làm việc của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hoà

Đối với sự nghiệp đổi mới nền kinh tế tỉnh nhà, Ngân hàng Khánh Hòa luôn bám sát các chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình kinh tế xã hội của tỉnh, tập trung đầu tư vốn cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án lớn, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn và thúc đẩy sử dụng vốn hiệu quả. Các chương trình kinh tế - xã hội lớn của tỉnh như phát triển giao thông nông thôn, phủ điện nông thôn, phát triển mía đường, phát triển kinh tế thủy sản, xóa đói giảm nghèo ... đều được triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Có được thành tích trên là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, sự cố gắng phấn đấu nổ lực của toàn dân, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, trong đó có sự nỗ lực, phấn đấu của Ngân hàng Khánh Hòa. Ngân hàng đã chủ động đến với doanh nghiệp, đến với những đối tượng cần vốn ngân hàng và sử dụng vốn có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để đổi mới thiết bị, tăng năng lực sản xuất, phát huy hiệu quả vốn đầu tư và tiếp tục phát triển vững chắc. Qua đó đã góp phần tăng giá trị sản lượng, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Vốn tín dụng ngân hàng có tác động sâu sắc đến sự phát triển các thành phần kinh tế tại địa phương, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ du lịch và hình thành một số ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương như công nghiệp chế biến, dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản… Từ đó, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện và thay đổi bộ mặt nông thôn Khánh Hòa. Với hình thức và phương châm phục vụ đa dạng, các ngân hàng đã và đang mở rộng cho vay đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, cho vay tiêu dùng, hộ sản xuất. Thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo của nhà nước, cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất ở nông thôn, giúp cho hàng chục ngàn hộ nghèo ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ đói nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, giảm tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Kết quả mười năm đầu đổi mới từ năm 1990 đến 2000, dư nợ cho vay Ngân hàng Khánh Hòa tăng gấp 34 lần, vốn huy động tăng 53,4 lần, tiền gửi dân cư tăng 48 lần. Từ năm 2000 đến 2010, dư nợ tín dụng tăng 8,8 lần, vốn huy động tăng  10,2 lần, tiền gửi dân cư tăng 15 lần. Đến cuối tháng 12/2012, dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 22.001 tỷ đồng, tăng 10,25 lần so với cuối năm 2000, vốn huy động đạt 31.158 tỷ đồng, tăng 17 lần, tiền gửi tiết kiệm đạt 23.202 tỷ đồng, tăng 23,82 lần. Nếu như năm 1990, dư nợ cho vay của Ngân hàng Khánh Hòa chỉ mới chiếm tỷ trọng 6,37% GDP thì đến năm 2012 đã chiếm 46,14%GDP, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo định hướng phát triển kinh tế của tỉnh (dịch vụ, du lịch - công nghiệp – nông nghiệp). Tỷ trọng dư nợ cho vay ngành du lịch - dịch vụ - thương mại chiếm  khoảng 49,4%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 39,5%, nông - lâm - thuỷ sản 11,1%

Tiến tới phát triển một hệ thống ngân hàng hiện đại với các sản phẩm dịch vụ ngày càng phong phú, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn và nâng cao năng lực cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập kinh tế  quốc tế, Ngân hàng Khánh Hòa từng bước đổi mới công nghệ, phát triển và ứng dụng kỹ thuật tin học vào các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán, kế toán và các dịch vụ ngân hàng. Hiện đại hóa hoạt động ngân hàng, ứng dụng công nghệ tin học vào các hoạt động dịch vụ và quản trị ngân hàng. Cùng với việc tăng cường đổi mới và nâng cấp trang thiết bị công nghệ ngân hàng, tốc độ thanh toán qua ngân hàng ngày nhanh (thanh toán khác tỉnh, thành phố từ chỗ tính bằng đơn vị thời gian là ngày, giờ thì nay đo bằng đơn vị phút, giây), làm cho các dòng luân chuyển vốn không chỉ nhanh, nhạy mà còn tiết kiệm rất lớn chi phí cho khách hàng và ngân hàng. Đồng thời, nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại đã được đưa vào sử dụng, tạo ra sự đồng bộ, có khả năng khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân hàng. Bên cạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt truyền thống như séc, ủy nhiệm chi và ủy nhiệm thu, giai đoạn 2006 - 2011 đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại, tiện ích, ứng dụng công nghệ cao như thẻ ngân hàng, ngân hàng internet, ngân hàng di động, ngân hàng tại nhà. Thực hiện Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đến tháng 12/2012, trên địa bàn tỉnh có 239 máy ATM, với 540.501 thẻ được phát hành, tỷ lệ các đơn vị hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước đã thực hiện trả lương qua tài khoản đạt 74,29%; đối với các điạ bàn bắt buộc thực hiện, tỷ lệ này là 100%. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 20 theo hướng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ và gia tăng các tiện ích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa, ngày 28/10/2011, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ công bố kết nối liên thông mạng lưới thanh toán thẻ qua POS giữa các liên minh thẻ trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, có 20 NHTM thực hiện kết nối liên thông cho 1.119 thiết bị POS (chiếm 91%/ tổng số thiết bị POS toàn tỉnh) tại 855 đơn vị chấp nhận thẻ (chiếm 93%/ tổng số đơn vị chấp nhận thẻ của toàn tỉnh). Sự kết nối liên thông mạng lưới POS giúp công tác thanh toán của người dân được thuận tiện hơn, giảm nhu cầu tiền mặt trong lưu thông.

Thực hiện xóa bỏ bao cấp qua tín dụng ngân hàng, quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được đổi mới theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chức tín dụng trong đầu tư tín dụng và  trong các khâu của quy trình tín dụng. Công tác thanh tra, giám sát ngày càng nâng cao; hàng năm, Thanh tra giám sát ngân hàng lập kế hoạch thanh tra, nội dung thanh tra được xác định cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm đối với từng đối tượng thanh tra. Nhìn chung, công tác thanh tra đạt được kết quả tích cực, hạn chế các sai phạm trong hoạt động của các Chi nhánh tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các chi nhánh tổ chức tín dụng tập trung chấn chỉnh và củng cố hoạt động ngân hàng, đặc biệt là chấn chỉnh công tác cho vay- bảo lãnh, khai thông đồng vốn bằng cách cho vay mới các dự án, phương án khả thi, thực hiện đúng quy trình tín dụng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nên chất lượng tín dụng được nâng cao.

Việc điều hành cung ứng tiền tệ được thực hiện chặt chẽ và linh hoạt trên cơ sở diễn biến kinh tế, tiền tệ. Trên cơ sở khai thác tốt nguồn thu tiền mặt tại chỗ, kết hợp với đổi mới phương thức quản lý điều hành chỉ tiêu xuất, nhập quỹ điều hòa tiền mặt, Ngân hàng Khánh Hòa đã chủ động điều hòa lưu thông tiền mặt, đáp ứng kịp thời đầy đủ nhu cầu và cơ cấu tiền mặt của nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hoá và đời sống xã hội. Công tác an toàn kho quỹ trong hệ thống ngân hàng được thực hiện tốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Thường xuyên thực hiện công tác phân loại, tuyển chọn tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, góp phần từng bước làm sạch, đẹp đồng tiền trong lưu thông.
Nha Trang, tháng 01/2013
Phòng NCTH & KSNB
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây