70 năm - Một chặng đường vẻ vang (Kỳ 1): Phụng sự kháng chiến, phục vụ nhân dân

Thứ sáu - 23/04/2021 00:02 119 0
Ngành Ngân hàng đang hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Đó là một hành trình với biết bao sự kiện, dấu ấn đầy vất vả gian lao nhưng cũng rất đỗi tự hào, góp phần không nhỏ trong thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất hai miền Nam - Bắc, rồi hội nhập và phát triển kinh tế đất nước hôm nay. Chào đón sự kiện trọng đại đó, bắt đầu từ số này, xin gửi tới chuyên mục: Hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2021) với chùm bài đầu tiên: “70 năm - một chặng đường vẻ vang”. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
70 năm - Một chặng đường vẻ vang (Kỳ 1): Phụng sự kháng chiến, phục vụ nhân dân

Kỳ 1: Phụng sự kháng chiến, phục vụ nhân dân

Dấu mốc cải cách tiền tệ, bước ngoặt lịch sử

Lật giở lại những trang sử về nguồn gốc sự ra đời của Ngân hàng Việt Nam, Sắc lệnh số 86/SL ngày 17/9/1947 về việc thành lập “Quốc gia Ngân hàng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến tiếp ký ban hành được xem như “bản khai sinh” đầu tiên cho Ngân hàng Quốc gia. Nhưng chưa kịp triển khai thì chỉ hai tuần sau, quân Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc, mọi việc chuẩn bị cho sự thành lập Ngân hàng Quốc gia đành phải tạm gác lại. Và phải tới ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Mốc son đó được ấn định chính thức trở thành ngày truyền thống của ngành Ngân hàng Việt Nam.

Những ngày đầu mới thành lập không tránh khỏi những bỡ ngỡ, cơ sở vật chất kỹ thuật gần như không có gì, song những cán bộ ngân hàng nhận nhiệm vụ khi đó đều hăng hái vừa làm vừa học, nhanh chóng đưa các hoạt động nghiệp vụ vào cuộc sống theo yêu cầu của kháng chiến, góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trên mặt trận kinh tế, tài chính. Ông Nguyễn Lương Bằng, Uỷ viên Trung ương Đảng, được điều động đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đầu tiên và ông Lê Viết Lượng là Phó tổng giám đốc của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
 



Một bàn thu đổi tiền thời kỳ đầu
 

Một trong những dấu mốc đặc biệt ở thời kỳ này là việc tổ chức in và phát hành tiền, quản lý phát hành và điều hoà lưu thông tiền tệ. Kể từ khi thành lập năm 1951, tiền ngân hàng do Trung Quốc in giúp, được chở về nước và bảo quản tại hang núi Nà Khoang, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Theo lịch sử ghi lại, việc thu đổi tiền tài chính và phát hành tiền ngân hàng được tiến hành từ tháng 5/1951 theo tỷ lệ 1 đồng tiền ngân hàng ăn 10 đồng tiền tài chính, áp dụng chung cho mọi tầng lớp nhân dân. Đến tháng 2/1952, cơ bản đã thu hồi xong số tiền tài chính lưu hành trong vùng tự do. Còn ở các vùng giáp ranh giữa vùng tự do và vùng du kích, tới đầu năm 1953 việc thu đổi mới hoàn thành. Đây có thể xem là một cuộc cải cách tiền tệ, chuyển từ “chế độ tiền tệ quốc khố” qua “chế độ tiền tệ tín dụng”.

Ngay từ những ngày đó, trong việc quản lý nền tài chính tiền tệ, vùng kháng chiến đã hình thành nguyên tắc “Tam bằng”: Thăng bằng thu chi ngân sách; thăng bằng thu chi tiền tệ; thăng bằng giá cả. Việc phát hành giấy bạc thay cho tiền tài chính đã tạo điều kiện thay đổi cơ bản chế độ tiền tệ, thay đổi cơ chế phát hành, quản lý và điều hoà lưu thông tiền tệ.

Có thể nói, sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia báo hiệu sự trưởng thành của nền kinh tế kháng chiến, chấm dứt thời kỳ phải gắn tài chính với ngân hàng, phải in tiền để chi tiêu; từng bước chuyển sang những nguyên tắc cơ bản của công tác ngân hàng và hoạt động tiền tệ, phục vụ sản xuất và lưu thông. Từ đây, bắt đầu xây dựng nền móng cho hệ thống Ngân hàng Việt Nam, hình thành thể chế quản lý tiền tệ theo quy luật của khoa học tiền tệ. Đây là bước tiến vô cùng lớn.

Thời gian từ khi ký Hiệp định Genève tháng 7/1954 tới khi quân đội của hai bên tập kết xong về hai miền vào tháng 5/1955 là một bước ngoặt lịch sử quan trọng. Ở miền Nam, quân đội Việt Nam tập kết ra Bắc, đồng tiền “Cụ Hồ” cũng phải rút về theo sự nuối tiếc của lòng dân. Ở miền Bắc, quân Pháp rút tới đâu, tiền Việt Nam lấn tới đó. Từng bước một, hệ thống tiền tệ được thống nhất trên toàn miền Bắc. Lần đầu tiên chính quyền cách mạng có lãnh thổ liền khoảnh, có thành phố, có biển, có bến cảng… Hệ thống tiền tệ Việt Nam cũng sang trang khi là của một quốc gia theo đúng nghĩa.

Bước vào quản lý đất nước trong điều kiện mới, Việt Nam đã giải quyết thành công được 3 việc quan trọng. Thứ nhất, thu đổi tiền Cụ Hồ ở miền Nam và thu đổi tiền Đông Dương ở miền Bắc. Thứ hai, giải quyết thắng lợi việc hoà đồng hệ thống giá cả và thị trường của vùng tự do cũ với vùng mới giải phóng ở miền Bắc, không gây xáo trộn lớn trong đời sống và sản xuất. Thứ ba, từng bước, hệ thống ngân hàng đã thành hình trên phạm vi toàn miền Bắc; các thể chế về phát hành, kho bạc, thu chi, lưu thông… đã hình thành theo một mô hình kinh tế mới: mô hình kinh tế - xã hội chủ nghĩa. Những thành quả này đã đặt nền móng cho việc kiến tạo nền kinh tế miền Bắc xã hội chủ nghĩa những năm tiếp theo.

Những năm 1955-1965, kinh tế Việt Nam dần được khôi phục, tình hình tài chính tốt lên, ngân sách Nhà nước phát triển, tiền tệ vào thế ổn định. Cùng với việc xây dựng mô hình kinh tế - xã hội chủ nghĩa, tiền tệ được quản lý và điều hoà theo kế hoạch, trên cơ sở hai thành phần kinh tế cơ bản là quốc doanh và tập thể. Hoạt động tín dụng tập trung vào khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, hợp tác hoá nông nghiệp, phát triển kinh tế quốc doanh, nâng đỡ kinh tế tập thể…

Huyền thoại con đường tiền tệ

Lịch sử Ngân hàng Việt Nam gắn liền với những năm tháng kháng chiến gian khổ của đất nước. Thật khó nói hết và kể đủ những gian nan, vất vả cũng như những thành tựu mà hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã vượt qua và gặt hái. Nhưng nếu để nhắc nhớ về những dấu ấn đậm nét, thì đó chính là huyền thoại về con đường tiền tệ trong kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, Ban Tài chính đặc biệt Trung ương Cục miền Nam (N2683) và Quỹ Ngoại tệ đặc biệt (B29) là hai đơn vị vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2009; Ban Ngân khố tín dụng R (phiên hiệu đơn vị là C32) cũng được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015.

Nguyên Phó Thống đốc NHNN Lê Văn Châu - một thành viên của B29 nhớ lại, đơn vị này tồn tại và hoạt động như một “ngân hàng ngoại hối đặc biệt” phục vụ riêng việc chi viện cho chiến trường bằng ngoại tệ. Hay nói cách khác, B29 được tổ chức để đặc trách thống nhất tập trung quản lý các nguồn thu ngoại tệ tự do và viện trợ quốc tế cho miền Nam. B29 được xem là tổ chức tình báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam, mà như nguyên Phó Thống đốc Lê Văn Châu chia sẻ, thì “sự độc đáo của tổ chức này là lấy cái công khai làm bình phong cho cái bí mật, nghĩa là mọi hoạt động của cái bí mật đều lấy danh nghĩa của cái công khai là Cục Ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam”. Để phối hợp với B29 ở ngoài Bắc, trong Nam cũng thành lập Ban Tài chính đặc biệt thuộc Xứ uỷ Nam kỳ (sau này là Trung ương Cục miền Nam) với mật danh N2683.

Lịch sử ghi lại, để chi viện cho miền Nam, N2683 đã đề xuất và phối hợp với B29 dùng cả hai phương thức thanh toán là bằng tiền mặt và chuyển khoản, mang mật hiệu AM và FM. Cụ thể, chuyển tiền mặt được gọi là AM - lấy tên làn sóng trung của radio, cũng có nghĩa là tiền mặt (Money) Mỹ (American). Chuyển khoản được gọi là FM lấy tên làn sóng ngắn trên radio, có nghĩa là phương pháp (F) mới (M). AM và FM được tổ chức theo một guồng máy rất tinh vi, liên kết giữa hậu phương và tiền tuyến, có mạng lưới trong nước và quốc tế, vừa vận dụng những nghiệp vụ ngoại hối kinh điển của ngân hàng, vừa kết hợp những kỹ thuật quân sự, tình báo.

Ông Lữ Minh Châu, nguyên Tổng Giám đốc NHNN, nguyên Phó Trưởng Ban N2683 nhớ lại, hai đơn vị B29 và N2683 phối hợp nhiều mặt về tổ chức cơ sở, kế hoạch tiền tệ, vận chuyển… đặc biệt về các phương thức thanh toán đặc biệt. Theo ông Châu, “phải làm rất nhiều việc khá phức tạp để đảm bảo ăn khớp và an toàn, nhất là phải phối hợp với B29 xây dựng và thực hiện các loại quy ước và mật mã để hợp đồng thực hiện…”. Ngoài việc phối hợp với B29 Hà Nội, N2683 còn có bộ máy vận chuyển tiền Sài Gòn và “ngoại tệ trong lòng địch” (vận chuyển giao nhận tiền trong địch hậu và vùng bàn đạp), bảo đảm phân phối chi viện tiền cho các chiến trường Khu 5, Khu 6 và Nam Bộ.

Từ năm 1968, theo đề nghị của Trung ương Cục miền Nam, Trung ương Đảng chỉ đạo, bổ sung cán bộ có nghiệp vụ tài chính tiền tệ vào chiến trường, theo đó NHNN đã cử đoàn cán bộ đông đảo chi viện cho miền Nam với phiên hiệu B68. Đoàn B68 vào Nam chia làm 14 chi, trong đó riêng số cán bộ về Trung ương Cục miền Nam kết hợp với cán bộ tại chỗ (B34/153 cũ) thành lập kho bạc R. Từ năm 1972, chính thức đổi thành Ban Ngân tín R - phiên hiệu C32 - trực thuộc Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam. C32 thường xuyên phối hợp, giao nhận tiền với N2683 và đối chiếu sổ sách về số tiền giao nhận với B29. Trong suốt 7 năm hoạt động (từ đầu năm 1969 - 1975), C32 và N2683 luôn có quan hệ mật thiết, chặt chẽ như một tổ chức.

Nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí hiểm nguy tới tính mạng, nhưng tất cả đều không khuất phục được lòng trung thành, ý chí, sự can trường, tài năng, của các cán bộ ngành Ngân hàng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Con đường tiền tệ huyền thoại ấy đã giúp rút ngắn thời gian chuyển tiền từ B29 vào miền Nam từ 30 ngày xuống còn 30 phút và đó là một sự diệu kỳ! Và trong 10 năm, một khối lượng tiền khổng lồ đã được vận chuyển đưa vào các chiến trường miền Nam một cách bí mật, bảo vệ an toàn tuyệt đối trong những điều kiện ngặt nghèo nhất.

Thời gian đã lùi xa hàng chục năm, những chiến sĩ Ngân hàng của B29, N2683 hay C32 có người còn ở lại, cũng có những con người đã đi rất xa. Nhưng ký ức thì luôn sống mãi trong tim họ, trong sự tự hào, trân trọng và biết ơn của mỗi thế hệ cán bộ Ngân hàng Việt Nam.

* Bài viết có sử dụng tư liệu trong các cuốn sách “Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951-2016” (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); “Huyền thoại con đường tiền tệ trong kháng chiến chống Mỹ” (PGS.TSKH Lê Văn Châu).

Minh Khuê

Theo thoibaonganhang.vn

Nguồn tin: tapchinganhang.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây