HOẠT ĐỘNG THẺ NGÂN HÀNG, THANH TOÁN DỊCH VỤ CÔNG
QUA NGÂN HÀNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ
Tổng quan hoạt động thẻ trên địa bàn tỉnh Khánh HòaĐến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 38 Chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) và 04 Quỹ tín dụng với 165 điểm giao dịch ngân hàng; có 35/38 đơn vị có trang bị máy ATM với 330 máy ATM đang hoạt động. Các Chi nhánh TCTD phát hành gần 1,2 triệu thẻ, lắp đặt 4.265 thiết bị POS tại 2.978 đơn vị chấp nhận thẻ, hầu hết đã kết nối liên thông (4.035 thiết bị). Về cơ bản, hạ tầng cơ sở, dịch vụ ngân hàng đã đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng. Các điểm chấp nhận thanh toán POS chủ yếu tập trung vào các ngành hàng: trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ (VinMart, Mega Market, Citimart, Coopmart, Big C, Lottemart…), hệ thống nhà hàng, khách sạn, một số hãng taxi,… nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết thực của khách hàng.
Năm 2018, qua hệ thống ATM có 12,65 triệu giao dịch với giá trị 37 nghìn tỷ đồng (tương ứng tăng 4,69% và 5,4% so với cuối năm 2017). Giao dịch thanh toán nội địa 12,4 triệu giao dịch, chiếm 98,2% tổng số giao dịch, về giá trị đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 98,2 % tổng giá trị. Trong đó giao dịch rút tiền mặt chiếm tỷ lệ cao đến 93,49% tổng số món và chiếm 82,23% giá trị giao dịch. Mặc dù, các TCTD triển khai nhiều dịch vụ thanh toán qua ATM như thanh toán tiền điện, nước,… nhưng giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua ATM vẫn còn thấp, chiếm tỷ trọng lần lượt là 0,28% số món và 0,22% giá trị. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới ATM đã góp phần giúp người dân làm quen với các dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Tuy nhiên, cho tới nay, hiệu quả đạt được chưa cao khi các ATM sử dụng cho giao dịch rút tiền mặt vẫn còn chiếm tỷ lệ cao.
Khánh Hòa là tỉnh có hoạt động dịch vụ du lịch phát triển, có tiềm năng cho phát triển thanh toán thẻ, đáp ứng nhu cầu khách du lịch và địa phương. Mạng lưới POS trên địa bàn có trên 3,8 triệu giao dịch với giá trị 11,5 nghìn tỷ đồng (tương ứng tăng 35,64% và 24,64% so với cùng kỳ năm 2017). Giao dịch thanh toán nội địa đạt 1,4 triệu giao dịch chiếm 36,13% tổng giao dịch, về giá trị đạt 4,13 nghìn tỷ đồng chiếm 35,7% tổng giá trị giao dịch; trong đó, giao dịch thanh toán giá trị hàng hóa dịch vụ là chủ yếu, chiếm 98,92% trên tổng số món và chiếm 95,58% giá trị giao dịch nội địa; giao dịch rút tiền mặt chiếm tỷ trọng lần lượt là 0,78% tổng số món và 3,32% giá trị giao dịch trong tổng các giao dịch nội địa.
Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, thẻ ngân hàngNhằm đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công, NHNN Chi nhánh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn giai đoạn 2018 – 2020, chỉ đạo các ngành liên quan, các đơn vị cung ứng dịch vụ công tích cực phối hợp với các TCTD triển khai kết nối thông tin để thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Các Chi nhánh TCTD đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác nộp thuế điện tử, trả lương qua tài khoản, thanh toán điện, nước, phí, lệ phí dịch vụ hành chính công,…
Kết quả năm 2018, đã thực hiện thanh toán tiền thuế, thu phạt vi phạm hành chính, phí, lệ phí và các khoản thu khác của NSNN ngân hàng là 279.550 món với doanh số thanh toán là 33.438 tỷ đồng; thanh toán tiền điện 145.991 khách hàng (chiếm tỷ lệ 42,55% tổng số khách hàng), số tiền 1.714 tỷ đồng (chiếm 78,21% tổng doanh thu); thanh toán tiền nước 58.586 món với doanh số thanh toán 36,45 tỷ đồng; thanh toán học phí 192 món, số tiền 5,036 tỷ đồng; thanh toán viện phí 30 tỷ đồng; chi trả an sinh xã hội 225 món với số tiền 0,8 tỷ đồng. Qua số liệu cho thấy, tỷ trọng thanh toán qua ngân hàng trong một số lĩnh vực còn hạn chế: thanh toán học phí, viện phí, trợ cấp bảo hiểm xã hội và các chương trình an sinh xã hội. Đến cuối năm 2018, chỉ có 01 máy POS được lắp đặt tại trường học, doanh số thanh toán trong năm 2018 là 5,036 tỷ đồng với 192 món; do không hiệu quả nên không được phát triển rộng; Tỷ lệ người thanh toán viện phí, nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội và các chương trình an sinh xã hội còn rất thấp.
Việc thực hiện lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại các đơn vị KBNN đã được các NHTM triển khai. Đến 31/12/2018, có 03 máy POS (của BIDV Khánh Hoà, VCB Khánh Hòa và Vietinbank Khánh Hòa) được lắp đặt tại KBNN thành phố Nha Trang, KBNN thành phố Cam Ranh và KBNN thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên, các thiết bị này hoạt động không hiệu quả, không phát sinh doanh số do KBNN đã thực hiện ủy nhiệm thu NSNN qua NHTM nên khách hàng không nộp tại KBNN.
Nguyên nhânCác khoản trợ cấp BHXH và các chương trình an sinh xã hội thường là những món tiền có giá trị thấp, đối tượng hưởng đa số lớn tuổi, khả năng sử dụng thiết bị công nghệ hạn chế, có tâm lý thích sử dụng tiền mặt hơn. Thẻ ATM ngoài chức năng để rút tiền mặt còn lại chưa được phổ biến dùng để thanh toán chuyển khoản. Mức phí dịch vụ giữa thanh toán tiền mặt và chuyển khoản chưa tạo động lực khuyến khích khách hàng lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt. Tội phạm ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó phát hiện ảnh hưởng đến tâm lý ngại sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng.
Vietinbank Khánh Hòa đã kết nối với Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính qua thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, hiện thủ tục hành chính tại địa phương chỉ mới dừng ở cấp độ 3.
Đề xuất, kiến nghị- Thực hiện chính sách khách hàng, nhất là đối với các khách hàng VIP, một số TCTD không thu phí hoặc thu phí rất thấp đối với các giao dịch rút tiền mặt. Ngoài ra, một số khách hàng vì mục đích riêng không muốn chuyển khoản qua ngân hàng. Điều này, làm tăng áp lực cho ngành ngân hàng trong kiểm đếm, vận chuyển, bảo quản tiền mặt và không khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, đề nghị NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh hơn để hạn chế các giao dịch tiền mặt qua ngân hàng thông qua các quy định như: quy định các TCTD phải áp dụng tỷ lệ phí nộp, rút tiền mặt lũy tiến theo từng mức khối lượng tiền mặt giao dịch và khuyến khích giảm hoặc miễn phí dịch vụ kèm theo khi thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt qua Ngân hàng.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1927/QĐ-NHNN ngày 5/10/2018, công bố Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa; Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, đặt ra lộ trình cụ thể về chuyển thẻ từ sang thẻ chip. Việc các TCTD thực hiện tốt lộ trình chuyển đổi này không chỉ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thẻ ngân hàng, tạo thuận lợi cho việc gia tăng các tính năng, tiện ích cho chủ thẻ, mà còn tăng niềm tin của khách hàng sử dụng thẻ cũng như dịch vụ ngân hàng.
- Về phát triển máy POS tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước, trường học: Hiện các NHTM đã phát triển nhiều phương thức thanh toán mới dựa trên ứng dụng công nghệ, cung ứng nhiều tiện ích cho khách hàng. Các ứng dụng thanh toán cài đặt trên các thiết bị: điện thoại thông minh, máy tính,… dễ sử dụng, phù hợp với nhiều đối tượng. Theo báo cáo của các NHTM, doanh số thanh toán qua POS đặt tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước thấp, không hiệu quả. Đề nghị NHNN có kiến nghị điều chỉnh kế hoạch phát triển POS tại các đơn vị KBNN cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Các cơ quan truyền thông, các TCTD tăng cường công tác thông tin truyền thông đến người dân hiểu rõ rủi ro của thanh toán tiền mặt, lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; nắm bắt được cơ bản cách sử dụng an toàn các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tối đa các rủi ro xảy ra khi sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử./.
Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước
Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa