THAM LUẬN: Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Thứ ba - 06/04/2021 22:52 157 0
Tháng 12/2020
A.KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG TRÊN ĐỊA BÀN
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của đất nước, trong đó có tỉnh Khánh Hòa. Sau đợt dịch COVID-19 lần 1 bùng phát trong tháng 4/2020, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đang trên đà hồi phục thì diễn tiến của làn sóng dịch bệnh lần thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng và lây lan sang một số địa phương đã ảnh hưởng đến cuộc sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Trong mười một tháng đầu năm 2020 hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước: tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 62.018,65 tỷ đồng, giảm 29,69%; doanh thu hoạt động du lịch đạt 4.815,3 tỷ đồng, giảm 80,78%. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu đạt được 1.270,71 triệu USD, giảm 10,5%; kim ngạch nhập khẩu đạt 686,06 triệu USD, giảm 10,31%; thu ngân sách đạt 12.711 tỷ đồng bằng 73,59% dự toán, giảm 27,37%; chi ngân sách đạt 10.855 tỷ đồng bằng 84,82% dự toán.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của tỉnh Khánh Hòa đã tăng 2,19% so với tháng trước, tăng  0,62% so với tháng 12/2019. Các nhân tố chủ yếu tác động đến mức tăng chỉ số giá tiêu dùng gồm: giá hàng ăn, dịch vụ ăn uống; giá học phí trung học phổ thông trường tư thục tăng, chỉ số giá điện, nước sinh hoạt tăng.
Đa số các chỉ số kinh tế đều giảm, đặc biệt lĩnh vực du lịch luôn có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa nhiều năm qua có mức giảm mạnh nhất. Do tác động của dịch bệnh, người dân hạn chế đi lại, du khách quốc tế không thể đến Việt Nam, làm cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn… lâm vào tình trạng sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Từ đó, ảnh hưởng đến hoạt động tiền gửi, tiền vay,… của các Chi nhánh Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn.
Thực hiện các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”, các cấp chính quyền địa phương nói chung, Ngân hàng Khánh Hòa nói riêng đã liên tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong cuộc sống và phục hồi sản xuất kinh doanh. Kết quả trước mắt đạt được là huy động vốn và dư nợ cho vay của các Chi nhánh TCTD trên địa bàn trong tháng 11/2020 đều tăng trưởng so với 10 tháng đầu năm 2020.
Theo đó, tổng huy động vốn của các Chi nhánh TCTD trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 11 đạt 86.385 tỷ đồng, tăng 0,53% so với đầu năm. Phân tích theo nguồn tiền gửi cho thấy tiền gửi của tổ chức kinh tế so với đầu năm tăng 1,1%, tiền gửi tiết kiệm dân cư và phát hành giấy tờ có giá tăng 1,59%. Điều này đã giúp tăng  nguồn vốn huy động của các Chi nhánh TCTD. Bên cạnh đó, tổng dư nợ cho vay của các Chi nhánh TCTD trên địa bàn tính đến cuối tháng 11/2020 đạt 94.279 tỷ đồng, tăng 4,63% so với đầu năm. Doanh số cho vay mười một tháng năm 2020 đạt 107.651 tỷ đồng, giảm 19,21% so với cùng kỳ. Cơ cấu tín dụng hiện vẫn đang nghiêng về ngành du lịch, dịch vụ, thương mại chiếm 68,93%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 24,01%; nông, lâm, thủy sản chiếm 7,06% trên tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.
Từ thực tiễn cho thấy, ngành Ngân hàng luôn đóng vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng. Dù trong bất cứ thời điểm nào, ngành Ngân hàng cũng tiên phong trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua những giai đoạn khó khăn, khẳng định hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có tác động không nhỏ vào hoạt động kinh doanh của các TCTD.
Tỷ lệ nợ xấu của các chi nhánh TCTD trên địa bàn đến cuối tháng 10/20201,26%.
B. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO DỊCH COVID-19
I. TÌNH HÌNH VỐN VAY BỊ ẢNH HƯỞNG DO DỊCH COVID-19
Toàn tỉnh có 9.186 khách hàng vay vốn (1.021 doanh nghiệp, 8.165 cá nhân) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dư nợ bị ảnh hưởng là 32.571 tỷ đồng; chiếm 34,56% dư nợ cho vay toàn địa bàn. So với 31/10/2020, dư nợ bị ảnh hưởng giảm 5.278,6 tỷ đồng. Cụ thể:
- Ngành du lịch: dư nợ bị ảnh hưởng 8.779 tỷ đồng, chiếm 26,95% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng.
- Ngành vận tải: dư nợ bị ảnh hưởng 6.858 tỷ đồng, chiếm 21,05% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng.
- Ngành tiêu dùng, kinh doanh thương mại: dư nợ bị ảnh hưởng 4.008 tỷ đồng; chiếm 12,31% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng.
- Ngành nông nghiệp: dư nợ bị ảnh hưởng 4.543 tỷ đồng, chiếm 13,95% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng.
- Ngành xây dựng: dư nợ bị ảnh hưởng 3.611 tỷ đồng, chiếm 11,09% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng.
- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (thực phẩm, đồ uống, dệt may,..): dư nợ bị ảnh hưởng 1.849 tỷ đồng, chiếm 5,68% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng.
- Hoạt động kinh doanh bất động sản: dư nợ bị ảnh hưởng 2.628 tỷ đồng, chiếm 8,07% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng.
- Các ngành khác (giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông,...): dư nợ bị ảnh hưởng 295 tỷ đồng, chiếm 0,91% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng.
II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC (NHNN) CHI NHÁNH TỈNH
Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, NHNN Chi nhánh đã ban hành nhiều văn bản về triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ đạo các Chi nhánh TCTD trên địa bàn:
- Xác định tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp và người dân để cùng khắc phục thiệt hại trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 gây ra. Chủ động có các biện pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong công tác tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ tiền tệ, thanh toán thuận lợi.
- Ổn định mặt bằng lãi suất, tiếp tục cung ứng các dịch vụ tiền tệ, thanh toán đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Thực hiện nghiêm quy định của NHNN về trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
- Cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020 về tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020.
- Rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, vận tải, nông nghiệp, xuất khẩu, vận tải,… để thực hiện:
+ Cơ cấu lại thời hạn trả nợ  giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch.
+ Miễn/giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh; tích cực giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch COVID-19… Tuy nhiên, cũng ngăn chặn việc lợi dụng dịch COVID-19 để xử lý những khoản tín dụng không phải do tác động của dịch.
- Đảm bảo các hoạt động, giao dịch được tiến hành liên tục, bình thường, không vì bất cứ lý do gì làm gián đoạn các hoạt động ngân hàng phục vụ doanh nghiệp và người dân. Đồng thời có phương án phòng dịch cho cán bộ, người lao động, dự phòng lực lượng thay thế hỗ trợ về nhân sự để chủ động ứng phó với tình huống nếu bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, đảm bảo an toàn, ổn định hoạt động kinh doanh, nhất là công tác thanh toán và quản trị mạng. 
- Tham gia và vận động cán bộ, nhân viên, người lao động trong Chi nhánh TCTD có các hình thức an sinh xã hội kịp thời để đóng góp ủng hộ cho những ngành, lĩnh vực, người dân khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra.
- Tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, trong đó có tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 nhằm đảm bảo thực hiện đúng chính sách; phát hiện và kiên quyết xử lý kịp thời việc lợi dụng chính sách để trục lợi, phản ảnh sai lệch chất lượng tín dụng. Xử lý nghiêm các cán bộ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định trong quá trình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Mở chuyên mục “COVID-19” trên Trang Thông tin điện tử NHNN Chi nhánh tại địa chỉ www.sbvkh.gov.vn nhằm thông tin kịp thời các giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do dịch COVID-19 gây ra.
Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, các Hội, Hiệp hội trên địa bàn liên quan đến Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, bộ phận thường trực là Thanh tra, giám sát Chi nhánh, điện thoại: 0258.3822157.
III. ĐỐI THOẠI, GIẢI ĐÁP KIẾN NGHỊ CỦA DOANH NGHIỆP BỊ ẢNH HƯỞNG DO DỊCH COVID-19
Chi nhánh đã ban hành nhiều văn bản thông báo các giải pháp hỗ trợ của Ngân hàng Khánh Hòa nhằm khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gửi các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp và các Sở, ngành trên địa bàn để làm căn cứ giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp có liên quan.
Tại các buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, đại diện lãnh đạo Chi nhánh đã trực tiếp giải đáp và thông tin đến các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội các kiến nghị của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh.
Tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp do NHNN Việt Nam phối hợp UBND tỉnh tổ chức tại Khánh Hòa nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19, với sự tham gia của các sở, ban, ngành và 45 doanh nghiệp trên địa bàn có dư nợ bị thiệt hại do dịch bệnh COVID-19, các kiến nghị của doanh nghiệp đã được NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh và các Chi nhánh TCTD trên địa bàn giải đáp thỏa đáng.
IV. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP HỖ TRỢ
Các Chi nhánh Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các giải pháp để hỗ trợ khách hàng vay khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh:
1.Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ
Ngày 13/3/2020, NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Các TCTD quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của TCTD về khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp mức độ ảnh hưởng của dịch.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN Chi nhánh, đến 30/11/2020 các Chi nhánh TCTD trên địa bàn đã điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho 2.197 khách hàng, với dư nợ 7.785,14 tỷ đồng. Trong đó, có 311 doanh nghiệp, dư nợ 6.479,09 tỷ đồng.
Riêng tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 935 khách hàng cá nhân với dư nợ 16,4 tỷ đồng.
Các Chi nhánh TCTD đã thực hiện miễn, giảm lãi cho 139 khách hàng với dư nợ 529,07 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn, giảm là 3,3 tỷ đồng.
2. Cho vay mới
Các Chi nhánh TCTD đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Từ ngày 23/01/2020 đến 30/11/2020, các Chi nhánh TCTD trên địa bàn đã thực hiện cho vay mới 9.711 khách hàng với số tiền 34.522 tỷ đồng.
3. Giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ
Nhiều Chi nhánh TCTD trên địa bàn đã giảm chi phí hoạt động nhằm chủ động giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ, cụ thể:
- Mức giảm lãi suất cho vay bằng VND từ 1%/năm trở xuống, gồm: Ngân hàng An Bình Khánh Hòa; Ngân hàng Sài Gòn Khánh Hòa; BIDV Khánh Hòa; Vietcombank Nha Trang; Ngân hàng Đại Chúng Khánh Hòa; Seabank Khánh Hòa; BIDV Nha Trang.
- Mức giảm lãi suất cho vay bằng VND từ 1%/năm đến 2%/năm, gồm: Vietcombank Khánh Hòa; Vietinbank Khánh Hòa; VP Bank Nha Trang; Sacombank Khánh Hòa; ACB Khánh Hòa; SHB Khánh Hòa, Agribank Khánh Hòa; Sacombank Ninh Hòa.
- Mức giảm lãi suất cho vay bằng VND từ 2%/năm trở lên: Ngân hàng Kiên Long giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách hàng vay vốn trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối, thời gian áp dụng từ ngày 01/02/2020 đến 30/4/2020;
- Mức giảm lãi suất cho bằng USD từ 0,5%/năm: BIDV Khánh Hòa; Vietcombank Khánh Hòa; SHB Chi nhánh Khánh Hòa
Đến 30/11/2020, các Chi nhánh TCTD trên địa bàn đã giảm lãi suất vay vốn đối với khoản vay cũ cho 11.932 lượt khách hàng, với dư nợ 21.680 tỷ đồng, số tiền lãi khách hàng được giảm là 85,03 tỷ đồng. 
4. Các giải pháp khác
Bên cạnh các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 gây ra, các TCTD còn áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm các loại phí nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế sự lây lan của virus Corona.
5. Cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động
Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, ngày 09/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 24/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ngày 07/5/2020, NHNN Việt Nam ban hành Thông tư số 05/2020/TT-NHNN quy định về việc tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng. 
Căn cứ các quy định trên, ngày 27/4/2020, Tổng Giám đốc NHCSXH đã ban hành Văn bản số 2129/HD-NHCS hướng dẫn nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Theo đó, NHCSXH sẽ thực hiện cho vay người sử dụng lao động trên cơ sở danh sách phê duyệt của UBND tỉnh. Nguồn vốn cho vay đối với người sử dụng lao đông để trả lương ngừng việc đã được bố trí sẵn sàng.
Tuy nhiên, kể từ ngày ban hành chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương  ngừng việc đối với người lao động, nguồn vốn chưa thể giải ngân cho doanh nghiệp. Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để trả lương ngừng việc cho người lao động, ngày 19/10/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Quyết định 32).
Theo đó, doanh nghiệp có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020; người sử dụng lao động có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 được vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Đối với hồ sơ, trình tự, thủ tục vay, phê duyệt cho vay và tổ chức giải ngân, Quyết định 32 quy định người sử dụng lao động tự kê khai, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay theo quy định. Người sử dụng lao động gửi hồ sơ vay đến NHCSXH nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú (đối với hộ kinh doanh, cá nhân) của người sử dụng lao động. Việc giải ngân của NHCSXH được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021.
Đến 30/11/2020, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận 03 hồ sơ người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc. Qua quá trình thẩm định, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa đã từ chối cấp tín dụng cho 02 doanh nghiệp vì không đáp ứng đủ điều kiện về BHXH, đang thực hiện thẩm định 01 hồ sơ theo quy định.
6. Thực hiện công tác an sinh xã hội
Bên cạnh việc tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra, các Chi nhánh TCTD trên địa bàn đã chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội, cụ thể: Ủng hộ 8 Trung tâm y tế mua sắm trang thiết bị, ủng hộ gạo cho các điểm ATM phát gạo cho người nghèo, ủng hộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Khánh Hòa chương trình “Chung tay phòng chống dịch COVID-19”, phát quà cho các hộ nghèo,... Tổng số tiền ngành Ngân hàng Khánh Hòa đã ủng hộ tỉnh khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 là 976 triệu đồng.
Nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, để góp phần giúp tỉnh Khánh Hòa có thêm nguồn lực hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn, ngành Ngân hàng Khánh Hòa hỗ trợ 5 tỷ đồng để xây dựng 100 căn nhà cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có công với cách mạng, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh chưa có nhà ở ổn định.
C. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
- Nắm bắt, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN về tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng, các chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của địa phương đến các Chi nhánh TCTD trên địa bàn. Triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19.
-  Theo dõi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để kịp thời báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, Thống đốc NHNN biện pháp quản lý hoạt động của TCTD, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách.
- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng; phát hiện, cảnh báo, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, đảm bảo trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, ngoại hối; giám sát việc thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN của các Chi nhánh TCTD.
- Triển khai tích cực, có hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, áp dụng ISO trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của Ngành góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử và thanh toán thẻ.
                                                                            Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
  2. Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
  3. Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
  4. Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
  5. Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
  6. Thông tư số 05/2020/TT-NHNN ngày 07/5/2020 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về việc tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
  7. Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.
  8. Công văn số 2129/HD-NHCS ngày 27/4/2020 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội về hướng dẫn nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động.
  9. Công văn số 5446/HD-NHCS ngày 20/10/2020 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội về hướng dẫn nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động.
  10.  Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2020 (Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa - Tháng 11/2020).

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây