NHỮNG CHUYỂN BIẾN RÕ NÉT, HIỆU QUẢ NỔI BẬT TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUA HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH TẠI CHI BỘ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH TỈNH KHÁNH HÒA

Thứ ba - 20/04/2021 04:13 238 0
Tóm tắt: Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển đất nước, bài viết đánh giá những chuyển biến rõ nét, hiệu quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ qua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Chi bộ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa; từ đó đề xuất giải pháp đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.

Từ khóa: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Khánh Hòa, tổ chức tín dụng
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dặn dò: “Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay chính là đưa lời dạy của Bác vào cuộc sống, hiện thực hóa thành những mục tiêu phát triển tương ứng với mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn phát triển của đất nước cùng quyết tâm chính trị cao nhất. Để việc học tập và làm theo thực sự đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, Chi bộ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa (Chi bộ) đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - đó không phải là những vấn đề cao xa, phức tạp, mà là những hành động được thể hiện trong đời sống, công việc hàng ngày.
Qua 05 năm triển khai Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chi bộ đã thực hiện tốt việc tổ chức học tập theo chỉ đạo của Đảng ủy cấp trên, tạo sự chuyển biến rõ nét về tư tưởng và hành động trong mỗi đảng viên, công chức. Từ đó, tạo sự đoàn kết, nhất trí trong cơ quan, nâng cao chất lượng công tác, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng.
I. NHỮNG CHUYỂN BIẾN RÕ NÉT, HIỆU QUẢ NỔI BẬT TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUA HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH TẠI CHI BỘ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Chi bộ đã  đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh lần thứ VII; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thể hiện qua thực hiện các chương trình sau:
1. Chỉ đạo các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, Chương trình bình ổn thị trường
Thực hiện lời dạy của Bác về “Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn và chi phí lãi vay, tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh, Chi bộ đã chỉ đạo các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, Chương trình bình ổn thị trường.
Trong 5 năm qua (2016 – 2020), thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng– Doanh nghiệp, Ngân hàng Khánh Hòa đã giải ngân 45.974 tỷ đồng vốn vay với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp; bình quân cho vay mỗi năm đạt trên 9.195 tỷ đồng; đến ngày 31/3/2021, dư nợ chương trình là 7.226  tỷ đồng. Đối với Chương trình bình ổn thị trường, các Ngân hàng mở rộng đối tượng tiếp cận là các doanh nghiệp phân phối, lưu thông hàng hóa bình ổn giá, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết vùng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch... đến ngày 31/3/2021, dư nợ  83 tỷ đồng.
2. Chỉ đạo các Ngân hàng cho vay các chương trình kinh tế của Tỉnh
Ngân hàng Khánh Hòa đã cân đối vốn để cho vay 3 chương trình kinh tế của Tỉnh với lãi suất ưu đãi (Tỉnh có 4 chương trình kinh tế)
- Cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Dư nợ 11.318 tỷ đồng, với 215 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã và 63.297 hộ dân, chiếm tỷ trọng 43% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn.
- Cho vay Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Dư nợ 860 tỷ đồng, trong đó, cho vay xây dựng cơ bản các xã 405 tỷ đồng, tập trung cho vay xây dựng các công trình giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng trạm điện, chợ...; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 352 tỷ đồng với 8.713 hộ; cho vay hộ dân tộc thiểu số 10,4 tỷ đồng với 497 hộ; cho vay hộ nghèo làm nhà ở 5,3 tỷ đồng với 303 hộ; cho vay trồng, chăm sóc cây cà phê 115 tỷ đồng với 1.311 hộ; cho vay trồng, chăm sóc cây hồ tiêu 617 triệu đồng với 17 hộ.
- Cho vay Chương trình phát triển đô thị: Dư nợ 11.667 tỷ đồng, chiếm 12,25% dư nợ cho vay. Trong đó: Đã hoàn thành chương trình cho vay hỗ trợ mua nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, các Ngân hàng đã giải ngân 1.664 hồ sơ với 671 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ mua nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ 335 lượt khách hàng với số tiền 354 tỷ đồng.
(Riêng Chương trình phát triển nguồn nhân lực được thực hiện bằng ngân sách tỉnh, Ngân hàng không cho vay).
3. Triển khai công tác cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Chi bộ xác định cải cách hành chính là khâu đột phá để tạo chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện lời dạy của Bác về “xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân”,  Chi bộ đã chỉ đạo các Ngân hàng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đổi mới mạnh mẽ phong cách làm việc và nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ ngân hàng. Các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh được các Ngân hàng quy định trong nội quy, quy chế công sở, quy chế tiếp công dân,… như  thời giờ làm việc, thái độ, ngôn ngữ giao tiếp với công dân đến giao dịch, trang phục nơi công sở,… và gắn liền với đánh giá kết quả, hiệu quả công việc. Phong cách, tác phong giao dịch với khách hàng được mỗi cán bộ, đảng viên tự ý thức và chuyển hóa thành hành động cụ thể theo hướng thân thiện, sẵn sàng tiếp đón, hỗ trợ và đồng hành cùng khách hàng. Nhờ triển khai các giải pháp trên, Chi nhánh NHNN tỉnh dẫn đầu các cơ quan ngành dọc toàn tỉnh về chỉ số và xếp hạng cải cách hành chính trong 3 năm liên tiếp từ 2018 đến 2020.
Hiện nay, Ngân hàng Khánh Hòa đang triển khai “Ngân hàng số”, sẽ số hóa toàn bộ hoạt động Ngân hàng từ việc số hóa các sản phẩm, dịch vụ tương tác trực tiếp với khách hàng tới việc tự động hóa các quy trình xử lý nội bộ; giúp cho ngành Ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng mọi lúc, mọi nơi, rút ngắn thời gian giao dịch, giảm chi phí đi lại của khách hàng.
4. Chỉ đạo tập trung tháo gở các bức xúc lớn được dư luận quan tâm, đặc biệt là 2 vấn đề trọng tâm
- Thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 gây ra
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Tỉnh ủy, Ngân hàng Khánh Hòa đã rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mưa bão, thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp khách hàng bị thiệt hại do bão khôi phục sản xuất, kinh doanh:(i) Cho vay mới để khôi phục sản xuất 27.408 khách hàng, số tiền 2.435 tỷ đồng; (ii) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 951 khách hàng, số tiền 467 tỷ đồng; (iii) Miễn giảm lãi vốn vay, lãi quá hạn cho 48 khách hàng, số tiền 1,03 tỷ đồng; (iv) Khoanh nợ cho 248 khách hàng, số tiền khoanh nợ là 67 tỷ đồng, được UBND tỉnh cấp bù lãi suất trong thời gian khoanh nợ 9,62 tỷ đồng. Riêng Ngân hàngChính sách xã hội Khánh Hòa đã khoanh nợ cho 110 khách hàng, số tiền 2.665 triệu đồng, miễn lãi cho khách hàng trong thời gian khoanh nợ là 707 triệu đồng; xóa nợ cho 111 khách hàng, số tiền 2.125 triệu đồng.
- Tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Toàn tỉnh, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 34.712 tỷ đồng, chiếm 36,44% dư nợ cho vay toàn địa bàn.
Ngân hàng Khánh Hòa đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra: (i) Điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho 2.142 khách hàng, với dư nợ 7.808 tỷ đồng. (ii) Cho vay mới 15.346 khách hàng với số tiền 41.031 tỷ đồng. (iii) Giảm lãi suất vay vốn các khoản vay cũ cho 14.050 lượt khách hàng, với dư nợ 24.804 tỷ đồng, số tiền lãi khách hàng được giảm là 106 tỷ đồng. (iv) Miễn, giảm các loại phí nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế sự lây lan của virus Corona. (v) Cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động, đã giải ngân 972 triệu đồng cho 433 lao động.
5. Thực hiện công tác dân vận trong hoạt động Ngân hàng
Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng. Ngành Ngân hàng luôn chú trọng triển khai công tác dân vận trong hoạt động để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Ngân hàng Khánh Hòa đã ký chương trình phối hợp công tác với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân; tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; vận động nhân dân thực hiện các chương trình kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa. Lãnh đạo Chi nhánh NHNN tỉnh và các Ngân hàng thương mại dự đủ các buổi tiếp xúc cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức, các Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, thanh niên, đối thoại với nhân dân,… do Tỉnh tổ chức trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu và giải quyết kịp thời theo đúng tinh thần dân chủ. Tất cả kiến nghị của doanh nghiệp và người dân liên quan đến Ngân hàng đều được Ngân hàng Khánh Hòa giải quyết thỏa đáng.Tại các hội nghị đối thoại, tiếp xúc cử tri, ý kiến, vướng mắc liên quan ngân hàng ngày càng giảm dần.
- Tổ chức các sự kiện, hội thi, giao lưu, tọa đàm, hoạt động văn hóa, văn nghệ... nhằm tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Ngày 17/11/2018, Chi nhánh NHNN tỉnh tổ chức Hội thi cải cách hành chính gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội thi tổ chức theo hình thức sân khấu hóa, gồm 4 vòng thi, trong đó có nội dung xây dựng ý thức tôn trọng, phục vụ Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày 14/11/2020, Chi nhánh NHNN tỉnh tổ chức Cuộc thi Nét đẹp văn hóa ngành Ngân hàng theo hình thức sân khấu hóa, có 3 vòng thi, trong đó có nội dung về tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Ngoài ra, đảng viên Chi bộ NHNN tỉnh tích cực tham gia mô hình dân vận “Tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn”, tuyên truyền về hoạt động Ngân hàng, được thể hiện ở nhiều hình thức và nội dung khác nhau như: Tham gia đề tài nghiên cứu khoa học; viết bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành; tham gia giảng các lớp có nội dung liên quan hoạt động Ngân hàng; tham gia các khóa đào tạo, hội thảo...
6. Tổ chức các phong trào thi đua nhằm đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống
Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói:“Thi đua - Khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hàng ngày”; thấm nhuần lời dạy của Bác, nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước, trong những năm qua, Chi bộ đã tổ chức các phong trào thi đua nhằm đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống.
- Năm 2016: Chi bộ triển khai Phong trào thi đua Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển, triển khai Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (số liệu báo cáo ở trên).
- Năm 2017: Chi bộ tiếp tục triển khai Phong trào thi đua Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển, triển khai Chương trình bình ổn thị trường (số liệu báo cáo ở trên).
- Năm 2018: Chi bộ triển khai Phong trào thi đua hiến máu tình nguyện trong công chức, người lao động Ngân hàng Khánh Hòa với thông điệp Hiến máu cứu người – Kết nối trái tim – Kết nối sự sống (tổ chức hàng năm, riêng năm 2020 thu về 258 đơn vị máu).
- Năm 2019: Chi bộ triển khai Phong trào thi đua Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019 – 2025.
- Năm 2020: Chi bộ triển khai Phong trào thi đua Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau, Ngân hàng Khánh Hòa đã phối hợp với Ban chỉ đạo cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tỉnh Khánh Hòa xây dựng 100 căn nhà cho người nghèo với giá trị 5 tỷ đồng (công trình Chào mừng Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII).
7. Thực hiện công tác an sinh xã hội
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân, Chi bộ đã chỉ đạo Ngân hàng Khánh Hòa tích cực tham gia các cuộc vận động do Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh phát động, triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Năm 2020, mặc dù bị thiệt hại nặng bởi dịch bệnh, nhưng Ngân hàng Khánh Hòa đã thực hiện rất tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch cho các trung tâm y tế, hỗ trợ gạo cho các điểm ATM phát gạo cho người nghèo, ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ. Hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, người lao động Ngân hàng Khánh Hòa đã trao tặng 100 triệu đồng cho Quỹ Trợ giúp nhân đạo tỉnh Khánh Hòa; tổ chức đi thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và sư tăng các đảo thuộc huyện Trường Sa với số tiền 50 triệu đồng; năm 2020, tổng số tiền ngành Ngân hàng hỗ trợ tỉnh 8,75 tỷ đồng. Tháng 4/2021, người lao động Ngân hàng Khánh Hòa đóng góp 855 triệu đồng để ủng hộ chương trình mua vắc xin phòng Covid-19 tiêm miễn phí cho người dân trong tỉnh. 
Từ năm 2012 đến nay, tổng số tiền ngành Ngân hàng hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa thực hiện công tác an sinh xã hội là 99,55 tỷ đồng (trong đó đã xây 1.491 nhà tình nghĩa, 3 trường học, thiết bị trường học, thiết bị y tế, 01 xe cứu thương, 270 con bò, 25 máy thông tin liên lạc cho ngư dân,…).
II. GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong thời gian qua, Chi bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã triển khai hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn chưa kiên quyết, triệt để, chưa thật sự sâu sắc, sáng tạo. Để triển khai tốt hơn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới, Chi bộ sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, để ngày càng nhận thức sâu sắc hơn nội dung cơ bản và giá trị của phong cách Hồ Chí Minh, làm cho phong cách của Người thật sự thấm sâu vào công tác cán bộ, trở thành nền tảng tinh thần để mọi cán bộ, đảng viên vận dụng sáng tạo vào công tác được giao, thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với công tác nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hai là, bám sát nội dung phong cách Hồ Chí Minh, những giá trị cốt lõi trong phong cách của Người để vận dụng vào đời sống, công tác và ứng xử xã hội. Đó là: Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hoá, tinh tế, đầy tính nhân văn; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị,... Từ đó, cụ thể hóa và xác định những yêu cầu cơ bản về phong cách làm việc của từng loại công việc, từng đối tượng cán bộ cho phù hợp, tránh giáo điều, rập khuôn máy móc.
Ba là, phải gắn nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với các phong trào thi đua thực hiện công tác chuyên môn và hoạt động của các đoàn thể chính trị- xã hội, cụ thể hóa thông qua các phong trào thi đua: Hoàn thành nhiệm vụ được giao, Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Đổi mới phong cách giao tiếp, phục vụ khách hàng… có như vậy mới đem lại nhận thức sâu sắc, tạo khí thế mới để tiếp tục khích lệ, cổ vũ cán bộ, đảng viên có nhiều bước chuyển rõ nét, tạo động lực phát triển.
Bốn là, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng và cấp ủy, phải trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên của Chi bộ, là việc làm tự giác, thường xuyên của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo với phương châm “trên trước, dưới sau”. Người đứng đầu đơn vị phải gương mẫu, mẫu mực trong “tự soi, tự sửa”, nêu gương toàn diện. Lấy kết quả triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng hằng năm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Nghị quyết Trung ương số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu xa rời quần chúng.
- Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
- Kế hoạch 26-KH/TU, ngày 05/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
- Quy định số 13-QĐ/TU, ngày 22/02/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
- Kế hoạch số 97-KH/TU, ngày 06/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
- Công văn số 437-CV/TGTU, ngày 10/10/2016 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa về tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Kế hoạch số 24-KH/ĐUK, ngày 22/9/2016 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
- Báo cáo của Chi bộ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa 2016, 2017, 2018, 2019, 2020.

                                                                                                 Đỗ Trọng Thảo
                                                               Chi bộ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây