Tài chính toàn diện và vai trò của thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng
Thứ tư - 19/06/2019 04:504170
Tài chính toàn diện là một vấn đề được Chính phủ quan tâm nhằm xây dựng một xã hội ổn định, công bằng và thịnh vượng. Việc tiếp cận các giao dịch tài khoản là bước đầu tiên hướng đến việc mở rộng tài chính toàn diện. Qua kết quả thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, hoạt động thanh toán thẻ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, bài viết nêu ra một số vướng mắc, hạn chế tác động đến khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân cũng như kết quả đạt được. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao năng lực tiếp cận dịch vụ ngân hàng hướng tới mở rộng tài chính toàn diện.
THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT VÀ TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TẠI TỈNH KHÁNH HÒA
Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa
Tài chính toàn diện là một vấn đề được Chính phủ quan tâm nhằm xây dựng một xã hội ổn định, công bằng và thịnh vượng. Việc tiếp cận các giao dịch tài khoản là bước đầu tiên hướng đến việc mở rộng tài chính toàn diện. Qua kết quả thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, hoạt động thanh toán thẻ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, bài viết nêu ra một số vướng mắc, hạn chế tác động đến khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân cũng như kết quả đạt được. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao năng lực tiếp cận dịch vụ ngân hàng hướng tới mở rộng tài chính toàn diện.
I. Tài chính toàn diện (TCTD) và vai trò của thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng đối với việc triển khai chiến lược TCTD Những năm gần đây, tài chính toàn diện (financial inclusion) đã trở thành một vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu trong sứ mệnh xóa đói, giảm nghèo, hướng tới một xã hội ổn định, công bằng và thịnh vượng, nơi mọi người đều được thụ hưởng những thành quả do phát triển kinh tế đem lại. Liên hợp quốc nhấn mạnh, tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Tài chính toàn diện được hiểu là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính (bao gồm các giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm) một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý do các tổ chức tài chính cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Tài chính toàn diện được xác định theo 03 tiêu chí: (i) Tiếp cận với các dịch vụ tài chính; (ii) Sử dụng dịch vụ tài chính; (iii) Chất lượng của sản phẩm và dịch vụ. Trong tiếp cận với các dịch vụ tài chính thì việc tiếp cận các giao dịch tài khoản là bước đầu tiên hướng đến việc mở rộng tài chính toàn diện.Tài khoản giao dịch cho phép mọi người dân có thể lưu trữ tiền, gửi và nhận thanh toán. Khi là chủ tài khoản thì họ sẽ có nhiều khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính khác (như tín dụng, bảo hiểm) để bắt đầu hoặc mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư vào giáo dục hoặc y tế, quản lý rủi ro nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống. Tháng 10/2013, Ngân hàng Thế giới chính thức đưa ra mục tiêu đến năm 2020 mỗi người trưởng thành phải có một tài khoản giao dịch và xem đó như một mốc quan trọng hướng tới tài chính toàn diện đầy đủ. II. Chủ trương, chính sách định hướng của Chính phủ về TCTD, một số chỉ tiêu đánh giá 1. Chủ trương, chính sách định hướng của Chính phủ Thời gian qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách và hoạt động trong khuôn khổ tài chính toàn diện như phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng,… Ngày 05/9/2016 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế với mục tiêu đến năm 2020 nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản cho người dân và doanh nghiệp trên nguyên tắc tôn trọng nguyên tắc thị trường, bình đẳng, thuận lợi, tạo cơ hội cho cả phía cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Trong 8 chỉ tiêu phấn đấu đạt được đến năm 2020, có hai chỉ tiêu liên quan đến mở tài khoản là: “70% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng; và khoảng 35 - 40% số người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng,” Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam được bắt đầu thực hiện từ 2006. Hiện nay đang triển khai cho giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Ngày 01/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, xác định một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm là “Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.”, chỉ đạo các ngành tiếp tục thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công, bổ sung đối tượng thu phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, Nghị định Chính phủ, các điều luật cũng quy định rất rõ việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. 2. Triển khai của chính quyền địa phương Ngày 20/4/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Chương trình hành động số 3857/UBND-KT về đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn giai đoạn 2018 – 2020, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.Tỉnh cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành chính thức từ ngày 31/8/2018 Trung tâm dịch vụ hành chính công trực tuyến của tỉnh. Vietinbank Khánh Hòa đã kết nối với Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính qua thẻ ngân hàng. Ngày 21/3/2019, UBND có Công văn số 2591/UBND-KT tiếp tục thực hiện CTHĐ số 3857/UBND-KT, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã trả lương qua tài khoản, các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý thực hiện và vận động cán bộ, công chức, viên chức thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (tiền điện, tiền nước); bổ sung tiêu chí thanh toán các dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng vào nội dung đánh giá bình xét thi đua các Cụm, Khối thi đua của tỉnh Khánh Hòa. Đề án của Chính phủ nhận được sự đồng thuận/ủng hộ từ các Bộ, ngành, địa phương và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, khách hàng quen dần với việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Quá trình thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ công mà còn ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn, phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp, đối tượng hưởng lương từ ngân sách hoặc tại các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển. III. Tổng quan về tài chính toàn diện và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa 1. Mạng lưới các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Khánh Hòa có 38 Chi nhánh tổ chức tín dụng và 04 Quỹ tín dụng với 165 điểm giao dịch ngân hàng, chủ yếu tập trung tại thành phố Nha Trang (99 điểm); có 330 máy ATM đang hoạt động, riêng tại Nha Trang có 290 máy, số ATM trên 1.000 km2 là 63,24. Các Chi nhánh TCTD phát hành gần 1,2 triệu thẻ, lắp đặt 4.265 thiết bị POS tại 2.978 đơn vị chấp nhận thẻ, hầu hết đã kết nối liên thông (4.035 thiết bị), riêng tại Nha Trang có 3.700 thiết bị, số POS trên 1000km2 là 817,36. Toàn tỉnh có 745.280 tài khoản tiền gửi thanh toán của cá nhân, trong đó số tài khoản có kết hợp sử dụng thanh toán tiền điện là 30.744 chiếm 4,13%; tiền nước 5.937 chiếm 0,8%. Về cơ bản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ ngân hàng đã đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng. Tuy nhiên, mạng lưới điểm giao dịch ngân hàng, ATM, POS tập trung ở khu vực thành thị, khu vực có kinh tế phát triển. Các điểm chấp nhận thanh toán POS chủ yếu tập trung vào các ngành hàng: trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ (VinMart, Mega Market, Citimart, Coopmart, Big C, Lottemart…), hệ thống nhà hàng, khách sạn, một số hãng taxi,… 2. Một số kết quả thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa a) Giao dịch qua ATM, POS Năm 2018, qua hệ thống ATM có 12,65 triệu giao dịch với giá trị 37 nghìn tỷ đồng (tương ứng tăng 4,69% và 5,4% so với cuối năm 2017). Giao dịch thanh toán nội địa 12,4 triệu giao dịch, chiếm 98,2% tổng số giao dịch, về giá trị đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 98,2 % tổng giá trị. Trong đó, giao dịch rút tiền mặt chiếm tỷ lệ cao đến 93,49% tổng số món và 82,23% giá trị giao dịch. Mặc dù, các tổ chức tín dụng triển khai nhiều dịch vụ thanh toán qua ATM như thanh toán tiền điện, nước,… nhưng giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua ATM vẫn còn thấp, chiếm tỷ trọng lần lượt là 0,28% số món và 0,22% giá trị. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới ATM đã góp phần giúp người dân làm quen với các dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Tuy nhiên, cho tới nay, hiệu quả đạt được chưa cao khi các ATM sử dụng cho giao dịch rút tiền mặt vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. Khánh Hòa là tỉnh có hoạt động dịch vụ du lịch phát triển, có tiềm năng cho phát triển thanh toán thẻ, đáp ứng nhu cầu khách du lịch và địa phương. Hệ thống POS trên địa bàn có trên 3,8 triệu giao dịch với giá trị 11,5 nghìn tỷ đồng (tương ứng tăng 35,64% và 24,64% so với cùng kỳ năm 2017). Giao dịch thanh toán nội địa đạt 1,4 triệu giao dịch chiếm 36,13% tổng giao dịch, về giá trị đạt 4,13 nghìn tỷ đồng chiếm 35,7% tổng giá trị giao dịch; trong đó, giao dịch thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ là chủ yếu, chiếm 98,92% trên tổng số món và chiếm 95,58% giá trị giao dịch nội địa; giao dịch rút tiền mặt chiếm tỷ trọng lần lượt là 0,78% số món và 3,32% giá trị trong tổng giao dịch nội địa. b) Thanh toán dịch vụ công Thực hiện Chương trình hành động số 3857/UBND-KT ngày 20/4/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa về triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; các sở, ban ngành liên quan, các đơn vị cung ứng dịch vụ tích cực phối hợp với ngân hàng triển khai các giải pháp, xây dựng định danh các khoản thu dịch vụ công. Các TCTD tăng cường kết nối với các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, điện lực, viễn thông, Bảo hiểm xã hội, bệnh viện, trường học,... cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán phù hợp nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công. Kết quả đạt được khá tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực thu thuế, tiền điện. Triển khai dự án hiện đại hóa quy trình quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), KBNN tỉnh đã thực hiện ủy nhiệm thu và phối hợp thu với các NHTM trên địa bàn (MB Khánh Hòa, MB Cam Ranh, VCB Nha Trang, VCB Khánh Hòa, Vietinbank Khánh Hòa, BIDV Khánh Hoà, Agribank Khánh Hòa) với 26 tài khoản thanh toán và tài khoản chuyên thu. Hầu hết các loại thuế đã thực hiện phối hợp thu qua ngân hàng (thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa, thuế thu nhập cá nhân,…). Năm 2018, thanh toán tiền thuế, thu phạt vi phạm hành chính, phí, lệ phí và các khoản thu khác của NSNN hầu hết được thanh toán qua ngân hàng. Đã thực hiện thu NSNN là 279.550 món với doanh số thanh toán là 33.438 tỷ đồng. Thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính qua thẻ ngân hàng của Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh chưa phát sinh. Cùng với xu thế phát triển của xã hội và chủ trương giảm dần thanh toán bằng tiền mặt trong xã hội, Công ty cổ phần (CTCP) Điện lực Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng thu hộ tiền điện với 15 NHTM và 04 đối tác là CTCP dịch vụ di động trực tuyến (M-Service), CTCP dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion), CTCP Giải pháp Thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPay), Tổng CT Viễn thông Viettel - CN Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel bankplus). Năm 2018, số khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các dịch vụ thanh toán khác là 145.991, chiếm tỷ lệ 42,55% tổng số khách hàng; số tiền điện thu hộ qua ngân hàng và các kênh thanh toán khác là hơn 1.714 tỷ đồng, chiếm 78,21% tổng doanh thu. Các NHTM đã tích cực phối hợp với các đơn vị cung ứng nước sạch thực hiện trao đổi thông tin, chuẩn hóa dữ liệu kết nối để thực hiện thanh toán hóa đơn tiền nước online. Trong năm 2018, đã thanh toán tiền nước 58.586 món với doanh số thanh toán 36,45 tỷ đồng. Tỷ trọng thanh toán qua ngân hàng trong một số lĩnh vực còn hạn chế: thanh toán học phí 192 món, số tiền 5,036 tỷ đồng; thanh toán viện phí 30 tỷ đồng; chi trả an sinh xã hội 225 món với số tiền 0,8 tỷ đồng. IV. Hạn chế, nguyên nhân - Mạng lưới phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện nay chủ yếu là hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch truyền thống, tập trung chủ yếu ở các trung tâm thành phố, thị xã, kinh tế phát triển. Do hiệu quả thấp, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa còn rất thiếu các điểm tiếp cận dịch vụ, chỉ có phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, điểm giao dịch của Chi nhánh ngân hàng Chính sách Xã hội hoạt động định kỳ 01 ngày/ tháng. Các Quỹ tín dụng nhân dân còn hạn chế về năng lực quản trị, năng lực công nghệ thông tin, hoạt động chính là cho vay, chưa phát huy hết được hiệu quả trong cung cấp dịch vụ (thanh toán, chuyển tiền) cho khách hàng. - Đời sống người dân đã tăng lên, nhất là trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường. Tuy vậy, việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng tài chính của người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế. Hiện chỉ số phổ cập tài chính của Việt Nam chỉ đạt 21,28 điểm, xếp thứ 112/176 trên toàn thế giới và đứng ở vị trí 22/37 quốc gia đang phát triển tại châu Á. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng của Việt Nam vẫn ở mức thấp, mới chỉ có 30,8% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới năm 2017 (The Little Data Book on Financial Inclussion 2018). Mặc dù các sản phẩm dịch vụ ngân hàng được cung cấp khá đầy đủ, đa dạng nhưng chỉ mới phổ biến ở thành thị mà thiếu nhiều ở nông thôn. - Nền kinh tế Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng vẫn còn là nền kinh tế dựa nhiều vào tiền mặt. + Thói quen tiêu dùng tiền mặt còn khá phổ biến kể cả ở thành thị và nông thôn. Các khoản chi tiêu, thanh toán của người dân chủ yếu là giá trị nhỏ, sử dụng tiền mặt là chính. + Thẻ ATM dùng để rút tiền mặt là chính, chiếm 93,49% tổng số món và 82,23% giá trị giao dịch; tỷ lệ sử dụng cho thanh toán chuyển khoản còn thấp. + Các khoản trợ cấp BHXH và các chương trình an sinh xã hội thường là những món tiền có giá trị thấp, đối tượng hưởng đa số là người lớn tuổi, người nghèo, khả năng sử dụng thiết bị công nghệ hạn chế, có tâm lý thích sử dụng tiền mặt hơn. Vì vậy, tỷ lệ thanh toán viện phí, nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội và các chương trình an sinh xã hội còn rất thấp. - Mức phí dịch vụ giữa thanh toán tiền mặt và chuyển khoản chưa tạo động lực khuyến khích khách hàng lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt. Để thu hút khách hàng, nhất là đối với các khách hàng VIP, một số tổ chức tín dụng không thu phí hoặc thu phí rất thấp đối với các giao dịch nộp, rút tiền mặt. - Khuôn khổ luật pháp và thể chế bảo vệ người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng tài chính còn thiếu và phân tán. Điều này là một nguyên nhân dẫn đến người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào các giao dịch tài chính, làm hạn chế sự tiếp cận và sử dụng của người dân đối với các dịch vụ tài chính chính thức. - Công tác an toàn, bảo mật là một vấn đề lưu tâm trong lĩnh vực ngân hàng, nhất là trong bối cảnh công nghệ điện tử và số hóa thông tin phát triển nhanh chóng, áp dụng sâu rộng vào các nghiệp vụ ngân hàng. Tội phạm ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó phát hiện, ảnh hưởng đến tâm lý ngại sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tài khoản thanh toán của khách hàng. - Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chương trình giáo dục tài chính trên truyền hình. Tuy nhiên, vệc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ tài chính tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Các NHTM cũng chưa thực sự chú trọng tới việc giải thích, giới thiệu cho khách hàng của mình các chương trình, chính sách ưu đãi hiện có theo phương thức phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ nhận thức của người dân nông thôn. V. Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới mở rộng tài chính toàn diện - Hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cần thiết trong hệ thống nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD mở rộng hoạt động và cung cấp nhiều, đa dạng hơn các dịch vụ ngân hàng. Có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, ngân hàng đại lý hoạt động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; ứng dụng công nghệ thông tin phát triển đa dạng kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như ngân hàng điện tử, ngân hàng di động, ngân hàng đại lý; hỗ trợ các QTDND nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ (thanh toán). - Các tổ chức tín dụng cần chủ động thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp có chi phí hợp lý, thủ tục đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư ở nông thôn, - Các Bộ, ban ngành và Ủy ban nhân dân tăng cường chỉ đạo các tổ chức, đơn vị cung ứng dịch vụ công mở rộng hợp tác với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện hành lang pháp lý để các đơn vị có đủ cơ sở hợp tác với các ngân hàng trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị cung cấp dịch vụ công, đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng. - NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh hơn để hạn chế các giao dịch tiền mặt qua ngân hàng thông qua các quy định như: quy định các tổ chức tín dụng phải áp dụng tỷ lệ phí nộp, rút tiền mặt lũy tiến theo từng mức khối lượng tiền mặt giao dịch và khuyến khích giảm hoặc miễn phí dịch vụ kèm theo khi thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt qua Ngân hàng. - Tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, tạo niềm tin cho khách hàng. Các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip theo lộ trình của NHNN quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Thực hiện tốt lộ trình này không chỉ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thẻ ngân hàng, tạo thuận lợi cho việc gia tăng các tính năng, tiện ích cho chủ thẻ, mà còn tăng niềm tin của khách hàng sử dụng thẻ cũng như dịch vụ ngân hàng. - Xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính và giáo dục hiểu biết tài chính.
- Các cơ quan truyền thông, các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thông tin truyền thông, cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân hiểu rõ về lợi ích, chi phí, rủi ro cùng phương thức quản lý và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính; hiểu rõ rủi ro của thanh toán tiền mặt, lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; nắm bắt được cơ bản cách sử dụng an toàn các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tối đa các rủi ro xảy ra khi sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử./.