Ngân hàng Khánh Hòa - 32 năm đồng hành cùng nền kinh tế tỉnh

Thứ sáu - 23/04/2021 00:08 136 0
Năm 1989, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa được thiết lập cùng với sự tái lập tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngân hàng Khánh Hòa - 32 năm đồng hành cùng nền kinh tế tỉnh
           Vào tháng 5/1990, Pháp lệnh về NHNN và Pháp lệnh về ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính ra đời, chính thức chuyển cơ chế hoạt động của hệ thống Ngân hàng Việt Nam từ 1 cấp sang 2 cấp, đáp ứng chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường của Chính phủ. Ngân hàng Khánh Hòa (NHKH) khi đó bao gồm NHNN Chi nhánh hoạt động theo ủy quyền của Thống đốc NHNN Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, và 4 chi nhánh Ngân hàng thương mại Nhà nước (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - BIDV, Ngân hàng Nông Nghiệp & PTNT, Ngân hàng Ngoại Thương - VCB, Ngân hàng Công Thương) hoạt động kinh doanh độc lập về tiền tệ và dịch vụ ngân hàng.
          Tháng 12/1997, Luật TCTD và Luật NHNN ra đời đã tạo nên một cấp độ mới của bậc thang hoàn thiện môi trường pháp lý, tiếp tục mở đường cho sự phát triển của ngành Ngân hàng trong tiến trình đổi mới. Vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của NHNN ngày càng được hoàn thiện và nâng cao; hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển mạnh về quy mô, mạng lưới, loại hình, chất lượng, đáp ứng hiệu quả nhu cầu sử dụng dịch vụ tiền tệ - ngân hàng của nền kinh tế.
          Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong 8 năm giai đoạn 2002 đến 2009, 17 Chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), 01 Chi nhánh Công ty Cho thuê tài chính và Chi nhánh Ngân hàng Phát triển (nay là CN NH PT KV Nam Trung Bộ) lần lượt ra đời và phát triển mạnh mẽ. Sau đó, 04 NHTM nhà nước (VCB Nha Trang nay là VCB Khánh Hòa, VCB Cam Ranh nay là VCB Nha Trang, Vietinbank Khánh Hòa và BIDV Khánh Hòa) thực hiện chuyển đổi mô hình thành Chi nhánh ngân hàng TMCP nhà nước, mở ra thời kỳ cạnh tranh lành mạnh lấy khách hàng làm trung tâm để ngân hàng cung ứng và phát triển dịch vụ.
          Thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015 (Đề án 254) trên địa bàn tỉnh, có 03 Chi  nhánh ngân hàng được tái cơ cấu bằng hình thức sát nhập nhằm đảm bảo mạng lưới của các chi nhánh trên địa bàn hoạt động hiệu quả, gồm: Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) CN Khánh Hòa sáp nhập vào BIDV Khánh Hòa thành lập BIDV Chi nhánh Nha Trang, Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kong CN Khánh Hòa sáp nhập vào CN Ngân hàng TMCP Hàng Hải thành lập Ngân hàng Hàng Hải Chi nhánh Lộc Thọ (hiện nay là PGD Lộc Thọ) và NH Phương Nam sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín CN Khánh Hòa thành lập Ngân hàng Sài Gòn Thương tín Chi nhánh Nha Trang (nay là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Ninh Hòa). Từ năm 2015 đến nay, các chi nhánh TCTD hoạt động ổn định, tập trung phát triển, chủ động hội nhập.
          Trong phát triển mạng lưới, NHKH chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được phục vụ, tiếp cận dịch vụ và nguồn vốn ngân hàng. Các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Cam Hải Tây (nay là QTD Cam Lâm), Vĩnh Phương, Vĩnh Thái được thành lập từ những năm 1997 - 1998. Các QTDND đều hoạt động ổn định, ngày càng phát triển và tuân thủ mục tiêu tương trợ thành viên. Nhận thấy tính hiệu quả của mô hình QTDND mang lại cho người dân vùng nông thôn trên địa bàn, năm 2016, NHNN Việt Nam, NHNN CN tỉnh đã chấp thuận cho QTDND Ninh Hòa thành lập, mở rộng mô hình  QTDND trên địa bàn thị xã Ninh Hòa.
         Năm 2002, Ngân hàng Phục vụ người nghèo tách ra khỏi Ngân hàng No&PTNT tỉnh và thành lập Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, 136 điểm giao dịch của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã được thiết lập trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.
         Năm 2018, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Khánh Hòa triển khai mô hình giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng trên địa bàn huyện Cam Lâm. Mô hình giao dịch mới này đã phát huy hiệu quả, bà con được vay vốn, gửi tiền mà không cần đến các điểm giao dịch cố định của ngân hàng, hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen vì thiếu thông tin, hiểu biết.
           Đến 31/12/2020, mạng lưới NHKH đã phát triển rộng khắp, bao phủ các địa phương trên địa bàn tỉnh với 185 điểm giao dịch của 38 Chi nhánh TCTD và 04 QTDND, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch ngân hàng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
le don nhan huan chuong lao dong hang nhat nam 2018 1
 
 
            Thực hiện tốt vai trò trung gian tiền tệ, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi, cung ứng vốn cho nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương
          Giai đoạn mới thành lập (89-90), các ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế chủ yếu sử dụng tiền mặt để thanh toán. NHKH đã nỗ lực để thực hiện tốt chức năng trung gian tài chính: tích cực thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư bằng các hoạt động tiếp thị, khuyến mại, cung ứng đa dạng các sản phẩm tiền gửi với nhiều tính năng, tiện ích. Nhờ vậy, hàng năm hệ thống NHKH hút về một lượng vốn khá lớn từ nền kinh tế thông qua các kênh huy động vốn với tốc độ tăng trưởng cao (từ 20% đến 30%). Nếu như năm 1989, nguồn vốn huy động chỉ đạt 29,8 tỷ đồng, năm 1999 tăng lên 1.168,7 tỷ đồng. Năm 2008, mặc dù bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng huy động vốn vẫn đạt mức tăng trưởng 20,5% (cho vay tăng 15,6%); năm 2009 đạt 15.819 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2008, tăng 13,5 lần so với năm 1999, thể hiện sự tin tưởng của người dân vào NHKH, xóa tan được tâm lý lo sợ đổ vỡ hàng loạt hợp tác xã tín dụng trước những năm 90 của thế kỷ 20. Giai đoạn 10 năm 2009 - 2019, vốn huy động tăng trưởng 5,4 lần. Năm 2020, dịch bệnh Covid - 19 ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế trong nước và quốc tế, tuy nhiên vốn huy động trên địa bàn vẫn giữ mức tăng trưởng 2,79%, đạt 88.321 tỷ đồng.
          NHKH đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế địa phương; luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung đầu tư vốn cho vay các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án lớn. Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách, vốn đầu tư nước ngoài, vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành kênh chủ yếu hỗ trợ đầu tư các chương trình kinh tế lớn của tỉnh như: Chương trình phát triển giao thông nông thôn, Chương trình phủ điện nông thôn, Chương trình phát triển mía đường, Chương trình kinh tế biển, Chương trình xóa đói giảm nghèo ...Vốn ngân hàng đã giúp các các thành phần kinh tế phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và NHKH thực sự trở thành người bạn đồng hành của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên con đường đổi mới và phát triển. Năm 1989, dư nợ cho vay tòan tỉnh là 49 tỷ đồng, đến năm 1999 tăng lên 1.781 tỷ đồng. Sau 20 năm, dư nợ tín dụng tăng 50,6 lần. Năm 2020, mặc dù do tác động của dịch Covid-19, cầu tín dụng trên địa bàn thấp nhưng dư nợ vẫn đạt mức tăng trưởng 7,53%  với 96.888 tỷ đồng.
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần trên địa bàn, NHKH chú trọng cho vay theo định hướng phát triển cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 1999, dư nợ cho vay ngành du lịch - dịch vụ - thương mại chiếm tỷ trọng 40,3 %, ngành công nghiệp - xây dựng 22%, ngành nông - lâm - thuỷ sản 16%, đến 31/12/2020, tỷ trọng cho vay các ngành trên địa bàn đã thay đổi, ngành du lịch - dịch vụ - thương mại tăng lên 69,5%, ngành nông - lâm - thủy sản giảm còn 7,24%. Tín dụng bằng ngoại tệ trên địa bàn ngày càng có xu hướng giảm phù hợp với chủ trương hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
           Thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, NHKH đã triển khai kịp thời cơ chế hỗ trợ lãi suất đến các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có nhu cầu vay vốn ngân hàng trên địa bàn. Nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất đã có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất  kinh doanh giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, các TCTD đã giảm dần lãi suất cho vay về 13%, 11%/năm, 9%/năm, 6%/năm, 5% và hiện nay là 4,5%... Đến 31/12/2020, dư nợ có lãi suất từ 11%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 84,1%, từ 9%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 45,5%; từ 4,5% trở xuống chiếm 9,5%.
          Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, bình ổn thị trường được NHKH triển khai từ năm 2014, đến nay đã tổ chức 29 Lễ ký kết hỗ trợ vốn vay lãi suất ưu đãi, thỏa thuận hợp tác. Trong quá trình triển khai, NHNN Chi nhánh thường xuyên chỉ đạo các TCTD trên địa bàn hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, được tiếp cận dịch vụ và nguồn vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, xem xét miễn, giảm lãi vay, phí dịch vụ phù hợp với điều kiện tài chính và quy định nội bộ của TCTD để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến 31/12/2020, dư nợ cho vay ưu đãi doanh nghiệp trên địa bàn là 5.366 tỷ đồng, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 22.364 tỷ đồng, chiếm 23,08% tổng dư nợ, Dư nợ cho vay phục vụ xuất khẩu 3.890 tỷ đồng, chiếm 4,01% tổng dư nợ.
         Triển khai Chương trình cho vay thí điểm mô hình chuỗi liên kết theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ, VCB Khánh Hòa đã giải ngân cho vay Công ty Đường Ninh Hòa 957 tỷ đồng để thực hiện Dự án “Đầu tư, tổ chức thu mua và bao tiêu sản phẩm mía đường tại tỉnh Khánh Hòa và huyện M’Đrăk, tỉnh Đak Lak”, nhờ đó Công ty Đường Ninh Hòa đã có nhiều cải cách về chính sách áp dụng có lợi cho người nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh và huyện M’Đrăk, tỉnh Đak Lak. Thực hiện chủ trương cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng cho vay 31 tàu gồm 28 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp (02 tàu dịch vụ, 29 tàu khai thác), số tiền cam kết cho vay 292,56 tỷ đồng; hiện nay, vì một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 tăng cao, các ngân hàng đã cơ cấu nợ cho 03 khách hàng với dư nợ 11,9 tỷ đồng, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn hỗ trợ, tạo điều kiện để ngư dân tiếp tục đánh bắt, tạo nguồn thu nhập, chủ động trả nợ vay.
          Tham gia cho vay 3/4 chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, (i) Cho vay chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với dư nợ đến 31/12/2020 là 11.081 tỷ đồng cho  217 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã và 63.269 hộ dân; (ii) Cho vay Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xây dựng cơ bản các xã, các công trình giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, trạm điện, chợ; cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn,  hộ dân tộc thiểu số; hộ nghèo làm nhà ở....(iii) Cho vay hỗ trợ mua nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng KH đã giải ngân 1.664 hồ sơ với 670,5 tỷ đồng; Cho vay hỗ trợ mua nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ 513 lượt khách hàng, số tiền 212,35 tỷ đồng. Thực hiện Chương trình phát triển đô thị của UBND tỉnh, NHKH cho vay các dự án đầu tư xây dựng các công trình về hạ tầng giao thông đô thị, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, các dự án khu dân cư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở đô thị, cho vay đầu tư xây dựng, phát triển giáo dục, y tế...Cùng với các chính sách hỗ trợ khác, việc tham gia các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh của Ngân hàng Khánh Hòa đã góp phần hiện đại hóa đô thị và vùng nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư, tạo cơ sở để nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững,
        Sát cánh, chia sẻ người dân, doanh nghiệp trước thiên tai, dịch bệnh, NHKH đã hỗ trợ 28.655 lượt khách hàng bị thiệt hại do cơ bão số 12 năm 2017, cơ cấu lại thời hạn trả nợ 466,72 tỷ đồng, miễn giảm lãi vốn vay, lãi quá hạn 1,03 tỷ đồng; khoanh nợ 67 tỷ đồng. Toàn tỉnh Khánh Hòa có 9.203 khách hàng vay vốn (1.021 doanh nghiệp, 8.182 cá nhân) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 năm 2020 - 2021, dư nợ bị ảnh hưởng chiếm 36,81% dư nợ cho vay toàn địa bàn. NHKH đã kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân: điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho 2.142 khách hàng, miễn, giảm lãi 3,3 tỷ đồng cho 139 khách hàng; cho vay mới 10.033 khách hàng với số tiền 36.114 tỷ đồng; giảm lãi suất vay vốn các khoản vay cũ cho 11.932 lượt khách hàng, số tiền lãi khách hàng được giảm là 85,03 tỷ đồng; miễn, giảm các loại phí; giải ngân 254,7 triệu đồng cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với  124 lao động; tích cực tham gia các buổi tiếp xúc cử tri, đối thoại doanh nghiệp trên địa bàn cùng với chính quyền địa phương nhằm nắm bắt nhu cầu và khó khăn, kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch cho các trung tâm y tế, hỗ trợ gạo cho các điểm ATM phát gạo cho người nghèo, ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ.....Từ năm 2012 đến nay, tổng số tiền ngành Ngân hàng hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa thực hiện công tác an sinh xã hội là 98,29 tỷ đồng
         Thị trường tiền tệ trên địa bàn thông suốt, bước đầu thành công đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
         Những năm 90, nhu cầu tiền mặt chiếm khá lớn trong nền kinh tế của Việt Nam nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng, việc điều hành cung ứng tiền tệ được NHNN thực hiện chặt chẽ và linh hoạt nhằm xoá bỏ tình trạng thiếu tiền mặt như những năm 1989 trở về trước; NHKH đã chủ động điều hòa lưu thông tiền mặt, đáp ứng kịp thời đầy đủ nhu cầu và cơ cấu tiền mặt hợp lý góp phần thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
          Tháng 5/2002, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng chính thức đưa vào vận hành, việc chuyển tiền được thông suốt từ Trung ương đến các Chi nhánh cơ sở, tốc độ thanh toán tăng nhanh (thanh toán khác tỉnh, thành phố từ chỗ tính bằng đơn vị thời gian là ngày giờ thì nay đo bằng đơn vị phút giây). Nhờ đó, các ngân hàng nhanh chóng triển khai và ngày càng hiện đại hóa dịch vụ cung ứng cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như: E-Banking, Internet Banking, Home Banking, ATM, các dịch vụ kiều hối, các dịch vụ phái sinh...Hiện nay, dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh mẽ cùng với công nghệ số với các hình thức như thanh toán viễn thông, ví điện tử, thanh toán di động, QR code...Năm 2004 toàn tỉnh chỉ có 17 máy ATM, tập trung chủ yếu ở TP. Nha Trang, thì đến nay đã có 353 máy ATM được bố trí đến tận các huyện, thị xã với tổng số 1.158.703 thẻ ATM được phát hành; 3.568 thiết bị POS đã được lắp đặt tại các đơn vị chấp nhận thẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết thực của khách hàng tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống nhà hàng, khách sạn, một số hãng taxi…. Chỉ riêng trong năm 2020, thông qua máy ATM trên địa bàn có 82.998 lượt giao dịch thanh toán hóa đơn, chi trả mua hàng hóa, dịch vụ nội địa và 2.106.586 lượt giao dịch qua các thiết bị POS.
      Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn, NHKH chủ động tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị đối thoại, các lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh triển khai thanh toán qua ngân hàng các dịch vụ thu thuế, tiền điện, nước, viện phí, học phí. Tổng kết giai đoạn 2018 -2020 triển khai Đề án trên địa bàn, về cơ bản NHKH đã đạt được mục tiêu đề ra về thu qua ngân hàng các dịch vụ công, gồm: thu ngân sách Nhà nước đạt tỷ lệ 99,6%; thu thuế, phí, hải quan đạt 100%; nộp thuế điện tử của doanh nghiệp đạt 98%; thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán khác 69%; thanh toán tiền nước 8,67% trong tổng số hộ sử dụng nước, thanh toán tiền học phí 26,15 tỷ đồng với 5.727 món; toàn tỉnh có 8 bệnh viện, 8 trung tâm y tế, 100% các đơn vị đã triển khai, thông báo chấp nhận thanh toán viện phí qua tài khoản ngân hàng. Đồng thời, NHKH cũng đã thực hiện thành công Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước với 201.728 tài khoản đơn vị nhận lương và trả lương trên địa bàn. Năm 2020, toàn tỉnh có 7.375.600 giao dịch ngân hàng trực tuyến với giá trị 95.656 tỷ đồng. Trong đó, qua điện thoại di động 6.880.000 giao dịch với 60.222 tỷ đồng; qua Internet 575.600 giao dịch với 16.770 tỷ đồng; hơn 21.075 lượt khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến với 89.270 giao dịch, 5.253 tỷ đồng.
          Công tác cải cách hành chính được NHKH triển khai quyết liệt, với mục tiêu trọng tâm là CCHC và cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Các Chi nhánh TCTD đã có nhiều hình thức cải tiến, đổi mới mô hình giao dịch một cửa theo hướng ứng dụng công nghệ, giảm bớt thông tin phải kê khai, giảm chi phí hoạt động, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ; nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm phi tín dụng; đầu tư phát triển sản phẩm online, cung cấp các gói sản phẩm, dịch vụ mới hiện đại và tiện dụng dành cho khách hàng. Từ năm 2014, NHNN Chi nhánh đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008,  thực hiện niêm yết công khai TTHC, áp dụng phần mềm tiếp nhận TTHC tại bộ phận một cửa, thường xuyên rà soát, cải tiến, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ TTHC không còn phù hợp, thực hiện đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, tạo lập tác phong chuyên nghiệp, hiện đại khi giao dịch với khách hàng, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. NHNN CN Khánh Hòa nhiều năm liền được xếp vị trí thứ nhất về chỉ số và xếp hạng CCHC trên địa bàn.
            Sau 32 năm đồng hành cùng nền kinh tế tỉnh, sát cánh với doanh nghiệp, người dân, Ngân hàng Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu rất quan trọng:
           1. Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và NHNN VN, triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; tham mưu UBND tỉnh và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ hoạt động ngân hàng. Phối hợp với các sở ngành liên quan triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chương trình kinh tế của tỉnh, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân...
          2. Công tác thanh tra, giám sát tại Chi nhánh được thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động; thực hiện kết hợp thanh tra tại chỗ với giám sát rủi ro trong hoạt động của TCTD, cảnh báo kịp thời; đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng trên địa bàn ổn định, an toàn, phát triển bền vững.
          3. Mạng lưới TCTD trên địa bàn ngày càng phát triển, chú trọng địa bàn nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa; huy động vốn và cho vay tăng đúng theo định hướng của NHNN Việt Nam, góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế tỉnh, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
          4. Cơ sở hạ tầng và công nghệ ngân hàng được chú trọng đầu tư và hiện đại hoá, tạo thay đổi căn bản trong phương thức giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng. Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh, đặc biệt là thẻ ngân hàng, ứng dụng công nghệ số. Đội ngũ cán bộ ngân hàng có chất lượng cao cả về trình độ năng lực, đạo đức trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển của ngành.
khoi thi dua cac nhkh ky ket giao uoc 1

              Đến nay, NHKH đã khẳng định được vị thế của mình đối với việc xây dựng, phát triển kinh tế địa phương, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. NHNN Chi nhánh và nhiều Chi nhánh TCTD trên địa bàn đã được tặng thưởng   Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, Cờ Thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Hướng đến năm 2030, NHKH sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển  ngành Ngân hàng Việt Nam và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng NHKH ngày càng ổn định, an toàn, phát triển bền vững, hiện đại, thực hiện tốt vai trò là kênh chủ lực trong việc tập trung nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo định hướng cơ cấu của tỉnh, đưa dịch vụ tài chính, ngân hàng đến với tất cả người dân, doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hp tác xã, hộ gia đình sản xut kinh doanh, đặc biệt người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác.
                                     Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây