Ngân hàng Khánh Hòa xây dựng nông thôn mới trong quá trình triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trên địa bàn tỉnh

Thứ năm - 11/11/2021 21:58 98 0
Bài viết khái quát định hướng của NHNN Việt Nam về xây dựng nông thôn mới trong Kế hoạch triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh của Ngân hàng Khánh Hòa đến năm 2020; mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 và những hạn chế, bất cập còn vướng mắc liên quan đến ngành ngân hàng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Bài viết cũng đề xuất một số giải pháp để Ngân hàng Khánh Hòa xây dựng nông thôn mới hiệu quả trong quá trình triển khai Chiến lược tài chính toàn diện trên địa bàn.
I. ĐỊNH HƯỚNG HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KHI TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG
          Tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước), đã định hướng các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới cụ thể để các đơn vị trong ngành chủ động triển khai thực hiện:
                - Lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện trong quá trình thực hiện cung ứng vốn vay của ngành Ngân hàng cho các chương trình xây dựng nông thôn mới
          - Môi trường pháp lý: Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế vào hoạt động tài chính vi mô; xây dựng và phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, mở rộng sự tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ, doanh nghiệp siêu nhỏ.
          - Phát triển đa dạng tổ chức cung ứng, kênh phân phối hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính:
          (i) Nghiên cứu, tạo điều kiện cho các tổ chức không phải ngân hàng có mạng lưới rộng khắp hoặc địa bàn hoạt động tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (như các quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô, bưu điện, trạm xăng, mạng lưới của các tổ chức viễn thông, mạng lưới của một số tổ chức khác không phải ngân hàng...) trở thành đại lý của ngân hàng nhằm nhanh chóng mở rộng phạm vi các điểm cung ứng dịch vụ tài chính;
          (ii) Đẩy mạnh thanh toán qua thiết bị di động, phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số cho người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa;
          (iii) Khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa;
          (iii) Tiếp tục sắp xếp, phát triển hợp lý mạng lưới ATM và POS trên toàn quốc đảm bảo hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường; khuyến khích các ngân hàng, tổ chức khác đầu tư và mở rộng mạng lưới ATM và POS tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa;
          (iv) Tạo điều kiện cho mạng lưới bưu chính công cộng hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, tổ chức công nghệ tài chính phát triển các dịch vụ tài chính số với chi phí thấp phục vụ người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa;
          (v) Khuyến khích các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô phát triển đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ;
          (vi) Khuyến khích hợp tác giữa các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô và các tổ chức công nghệ tài chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ để cung ứng dịch vụ đơn giản, thuận lợi, chi phí thấp tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
          - Phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính
          (i) Khuyến khích các ngân hàng cung cấp tài khoản thanh toán không chịu phí duy trì tài khoản và số dư tài khoản tối thiểu, có tính năng hạn chế, liên kết với thẻ ATM cho người về hưu, người hưởng trợ cấp xã hội, người già, người nghèo, học sinh, sinh viên và những đối tượng yếu thế phù hợp khác để sử dụng các dịch vụ gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền giá trị nhỏ, nhận lương hưu, trợ cấp xã hội và thanh toán hóa đơn dịch vụ tiện ích;
          (ii) Khuyến khích các tổ chức tín dụng và các tổ chức được phép khác phát triển các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa;
          (iii) Hỗ trợ các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả cho vay hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước thông qua ứng dụng công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp;
          (iv) Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”;
          (v) Hỗ trợ nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng về quản trị rủi ro, thiết kế sản phẩm và phát triển kinh doanh để tăng cường các nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực phục vụ cho việc cơ cấu lại và chuyển đổi khu vực nông nghiệp, trong đó chú trọng đến đa dạng hóa thu nhập của người sản xuất nông nghiệp;
          (vi) Khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng việc cung ứng các hình thức cho vay không yêu cầu tài sản thế chấp với các hình thức quản lý vốn vay phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh;
          (vii) Khuyến khích các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu khác nhau của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh.
          II. XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN QUỐC GIA CỦA NGÂN HÀNG KHÁNH HÒA
1. Kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020
Đến cuối năm 2020, Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa đạt được nhiều kết quả quan trọng: Kinh tế nông thôn phát triển, đời sống nông dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng, nhà ở nông thôn được xây dựng, nâng cấp, cải tạo; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, văn minh, hiện đại hơn; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được phát huy, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông sản, hàng hóa tập trung, chuyên canh; nhiều hàng hóa nông sản được chứng nhận nhãn hiệu và chất lượng; có 56/92 xã  (60,8% số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 03 xã so với mục tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đề ra); số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân chung của toàn tỉnh là 16,5 tiêu chí/xã (tăng 0,5 tiêu chí/xã so với mục tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra).
          Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chương trình vẫn thấp hơn so với bình quân chung cả nước; việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, vốn ngân sách nhà nước (kể cả vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác) còn thấp so với nhu cầu của các địa phương, nguồn lực huy động từ nhân dân còn hạn chế; kinh tế hợp tác ở nông thôn có phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất; liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế... Nguyên nhân một phần do nguồn lực đầu tư cho Chương trình còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp thời gian qua chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (thiên tai, dịch bệnh) và thị trường dẫn đến thu nhập của người dân còn thấp...
2. Ngân hàng Khánh Hòa tham gia xây dựng nông thôn mới
  NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành trên địa bàn lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; các chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới.
  Trong chỉ đạo điều hành, NHNN Chi nhánh yêu cầu các chi nhánh Tổ chức tín dụng (TCTD): (i) Cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn xây dựng nông thôn mới; đầu tư vốn tín dụng ngân hàng để phát huy thế mạnh về sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề tại các địa bàn nông thôn và địa phương nói chung; gắn việc đầu tư xây dựng nông thôn mới với việc triển khai thực hiện các quy định, chính sách của Chính phủ về phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; (ii) Chủ động tích cực tham gia cho vay thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Cho vay nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, thực hiện chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra… chủ động hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả do mưa lũ, dịch bệnh Covid-19 vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất; đồng thời hỗ trợ trực tiếp đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để động viên người dân sớm vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống; (iii) Triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chủ động tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu vốn để cho vay các công ty, trang trại, hợp tác xã đang tham gia các mô hình liên kết, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, Hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đúng quy định pháp luật; (iv) Phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp, các Sở, ngành liên quan thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của địa phương phát triển các hình thức tổ chức hợp tác trong nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Đến 30/6/2021, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn (NNNT) đạt 28.844 tỷ đồng, chiếm 28,85% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn; trong đó dư nợ cho vay nông thôn mới là 11.656 tỷ đồng của 249 doanh nghiệp, 11 HTX và 64.721 hộ dân, chiếm 40,41% dư nợ cho vay phát triển NNNT và chiếm 11,66% dư nợ cho vay toàn tỉnh, gồm cho vay hộ sản xuất kinh doanh 6.892,2 tỷ đồng chiếm 59,13%; cho vay làm đường nông thôn đạt 99,48 tỷ đồng chiếm 0,85%; cho vay xây dựng nhà ở đạt 844,58 tỷ đồng chiếm 7,25%; cho vay hộ nghèo đạt 39,71 tỷ đồng chiếm 0,34%; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 566,05 tỷ đồng chiếm 4,86%.
Phối hợp với UBND các cấp, các Sở, ngành liên quan thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của địa phương, cho vay các doanh nghiệp có hợp tác với các Tổ hợp tác nghề cá trên địa bàn như: Tổ hợp tác nghề cá Trường Sa, Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng; hoạt động tín dụng chính sách được lồng ghép với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, cải thiện đời sống. Đến ngày 30/6/2021, dư nợ cho vay tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa đạt 3.279,92 tỷ đồng, so đầu năm tăng 167,31 tỷ đồng với 5,38%. 
          Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, dư nợ bị ảnh hưởng toàn tỉnh đến 30/6/2021 là 36.692 tỷ đồng, chiếm 36,7% dư nợ cho vay toàn địa bàn. Trong đó, ngành nông nghiệp dư nợ bị ảnh hưởng 4.821 tỷ đồng, chiếm 13,1% dư nợ vay bị ảnh hưởng. NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các Chi nhánh TCTD kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho 2.142 khách hàng, với dư nợ 7.835,4 tỷ đồng, triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn, cho vay mới 20.210 khách hàng với số tiền 52.804 tỷ đồng, giảm lãi suất vay vốn đối với khoản vay cũ cho 14.070 lượt khách hàng, với dư nợ 29.781 tỷ đồng, số tiền lãi khách hàng được giảm là 117,4 tỷ đồng.
Hỗ trợ giảm lãi suất vay: Hiện nay, lãi suất vay vốn ngắn hạn tối đa đối với cho vay nông nghiệp nông nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên khác theo quy định của Chính phủ là 4,5%/năm; ngoài ra, NHNN Chi nhánh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay; công khai minh bạch và đơn giản quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
  Trong phát triển mạng lưới, Ngân hàng Khánh Hòa chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ và nguồn vốn ngân hàng. Đến 30/6/2021, toàn tỉnh có 38 Chi nhánh TCTD và 04 Quỹ tín dụng nhân dân với 185 điểm giao dịch ngân hàng (trong đó, có 11 Phòng Giao dịch bưu điện của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Khánh Hòa), 355 máy ATM và 4.455 máy POS (đã kết nối liên thông 4.434 máy POS).
Mạng lưới Ngân hàng bao phủ khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, riêng Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội có điểm giao dịch tới tận các xã, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch ngân hàng của người dân, doanh nghiệp. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã xây dựng mạng lưới 136 điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh (100% xã, phường, thị trấn có điểm giao dịch); năm 2018, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Khánh Hòa đã triển khai hình thức giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng trên địa bàn huyện Cam Lâm. Hoạt động của các điểm giao dịch đã góp phần giúp người dân vùng xa xôi, hẻo lánh tiếp cận với nguồn vốn chính thức, hạn chế tìm đến tín dụng đen; tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đồng bằng. 
Trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn nông thôn, NHNN Chi nhánh chỉ đạo các TCTD: Tích cực phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ công trên địa bàn tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; mở rộng kết nối với các ngành, lĩnh vực để cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán tiền mặt trong lĩnh vực công, tập trung cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh toán qua cổng dịch vụ công; triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, dịch vụ ngân hàng số; nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán theo hướng cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng trên cơ sở áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại; phát triển thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia tại Việt Nam; tăng cường công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, ATM, POS; xem xét lắp đặt ATM tại các đơn vị hành chính xã, phường.
          Thực hiện công tác an sinh xã hội, Ngân hàng Khánh Hòa tích cực tham gia các cuộc vận động do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động, triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa 6 tháng đầu năm 2021, tổng số tiền Ngân hàng Khánh Hòa thực hiên an sinh xã hội trên địa bàn là trên 7 tỷ đồng.
III. ĐỊNH HƯỚNG GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
1. Khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hộ nghèo.
Mặc dù, Ngân hàng Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực trong phát triển mạng lưới và cải tiến dịch vụ cung ứng để đưa dịch vụ ngân hàng đến với người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của một số bộ phận người dân khu vực này như:
- Khoảng cách địa lý, vùng miền là yếu tố tạo nên một số cản trở nhất định đối với dân cư nông thôn và hộ nghèo trong việc tiếp cận với dịch vụ ngân hàng; càng ở xa trung tâm thành phố thì khả năng tiếp nhận thông tin bị cản trở, mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, ngày nay khi các ngân hàng ngày càng chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật số để cung ứng dịch vụ thì khó khăn về khoảng cách về không gian và thời gian sẽ được thu hẹp.
- Trình độ dân trí của một số người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa cao, đặc biệt là về kiến thức tài chính cá nhân và khả năng tiếp cận các dịch vụ công nghệ hiện đại do ngân hàng cung ứng. Đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của dân cư nông thôn và hộ nghèo còn hạn chế. Tâm lý người dân nông thôn vẫn thích cất giữ tiền mặt, vàng, tài sản ở nhà mà không cần đến dịch vụ của ngân hàng.
- Tính đa dạng, phù hợp của sản phẩm dịch vụ: Các sản phẩm dịch vụ dành cho khu vực nông thôn vẫn chưa đa dạng, chưa phù hợp với nhu cầu sinh sống của người dân ở các địa bàn khác nhau. Quy định về hồ sơ, thủ tục, chi phí giao dịch, mức phí dịch vụ là các rào cản từ phía ngân hàng. Hoạt động của các tổ chức tài chính nông thôn vẫn chỉ bó hẹp ở dịch vụ cho vay mà chưa khai thác được các hoạt động khác như tiết kiệm, thanh toán mặc dù tiềm năng của những dịch vụ này còn rất lớn.
2. Một số tồn tại trong quá trình phát triển nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
Sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp trên địa bàn chưa mang tính chuyên nghiệp, hiện đại hóa cao, còn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu dẫn đến năng suất thấp. Khâu tiêu thụ sản phẩm còn thiếu sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức, do đó khả năng tiêu thụ sản phẩm của người dân còn bấp bênh, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng của bà con nông dân.
Tốc độ phát triển đô thị hóa ngày càng cao, diện tích đất nông nghiệp, các làng nghề truyền thống bị thu hẹp dần; đối tượng đầu tư chưa có đột phá, chủ yếu vẫn là chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, cây nông nghiệp ngắn ngày nên bà con nông dân khó có điều kiện để vươn lên làm giàu từ nông nghiệp.
Nhiều hộ gia đình, HTX, tổ hợp tác chủ yếu sản xuất kinh doanh trên vốn tự có nên quy mô sản xuất nhỏ lẻ vì không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng, nên không có điều kiện để đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới, mở rộng quy mô sản xuất.
3. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025
          Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 11/01/2021 tại Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025 đã xây dựng một số mục tiêu như sau:
Nâng cao số xã, số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; duy trì thành quả và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với xã đã đạt chuẩn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ, quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.
          Đến cuối năm 2025, có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; huyện Diên Khánh đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; các huyện Van Ninh, Cam Lâm đạt chuẩn huyện nông thôn mới; thành phố Cam Ranh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
4. Giải pháp đề xuất cho ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Nhằm góp phần đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh, hỗ trợ nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, nâng cấp và hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, hỗ trợ các địa phương nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cũng là mục tiêu cần đạt được của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; do đó, cần triển khai một số giải pháp cụ thể:
Đối với các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp
Triển khai sâu rộng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ nông thôn, dịch vụ ngân hàng đến người dân, giúp người dân vùng nông thôn hiểu rõ các chính sách ưu đãi của ngân hàng dành cho đối tượng sản xuất nông nghiệp, nông thôn, hiểu được lợi ích trong việc liên kết, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu...
Xây dựng quy hoạch và có những chính sách cụ thể cho khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch phát triển, xây dựng mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân đăng ký xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tham gia quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt Vietgap, Global gap, chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn GMP, HACCP, ASC, IMC… đáp ứng các tiêu chí quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa
Tiếp tục chỉ đạo các Chi nhánh TCTD cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn xây dựng nông thôn mới; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức Hội, đoàn thể tuyên truyền, công khai hoạt động ngân hàng đến tận xã, phường và mỗi người dân; phối kết hợp, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, giới thiệu mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả để nâng cao hiệu quả cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Triển khai kịp thời theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, phối hợp các Sở, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) trên địa bàn; Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử và thanh toán thẻ. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hiểu, biết và chủ động sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Các Chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh
Tiếp tục phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, ATM, POS đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phù hợp với nhu cầu kinh tế tại địa phương và định hướng kinh doanh của chi nhánh.
Mở rộng kênh cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nâng cao số lượng và chất lượng các kênh phân phối tự động, kênh cung ứng dịch vụ từ xa như dịch vụ ngân hàng điện tử,… Phát triển hệ thống giao dịch trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc giao dịch với ngân hàng, khắc phục hạn chế về mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch.
Ưu tiên cho vay khách hàng đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; cho vay liên kết theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm nông nghiệp; Chủ động tiếp cận doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Chủ động tiếp cận và cho vay đối với hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp được xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh Khánh Hòa, các đơn vị tham gia các chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có thủ tục đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư ở nông thôn. Công khai minh bạch và đơn giản quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có phương án khả thi.
Chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong quá trình cung ứng dịch vụ tại khu vực nông thôn; phổ biến kiến thức về tài chính, tín dụng, hỗ trợ người dân trong việc xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả, bền vững. Làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, kịp thời hỗ trợ giải quyết các sự cố, yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng.
Tăng cường hoạt động tiếp thị, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh
Nâng cao chất lượng hoạt động các điểm giao dịch tại xã, đặc biệt tại các xã nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, hỗ trợ có hiệu quả hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; tăng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Phối hợp với các Sở ngành, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, đặc biệt là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên... triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến với người dân; thực hiện các chương trình tín dụng chính sách gắn kết chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả để thoát nghèo bền vững.
Đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ tín dụng nhằm nâng cao khả năng tư vấn, hỗ trợ có hiệu quả đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trong việc xây dựng phương án sản xuất và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
Đối với khách hàng sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Cần nâng cao trình độ sản xuất, quản lý, điều hành; chủ động tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao khả năng quản lý do địa phương, các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức; quản trị việc kinh doanh khoa học, mở sổ sách theo dõi, lưu trữ chứng từ đầy đủ...để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng./.

Nguyễn Hoài Chiểu
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây