CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH SỬ DỤNG PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN ĐIỆN TỬ CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TP. NHA TRANG

Thứ tư - 18/11/2020 02:00 309 0
Bài viết nhằm mục tiêu phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng phương thức thanh toán điện tử của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Bài viết nhằm mục tiêu phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng phương thức thanh toán điện tử của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dựa trên kết quả phân tích 221 mẫu khảo sát bằng các phương pháp định lượng, kết quả nghiên cứu đã kiểm định các giả thuyết đề xuất,  xác định được các nhân tố ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng đến quyết định sử dụng phương thức thanh toán điện tử của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất 3 nhóm hàm ý chính sách, bao gồm: i) Gia tăng sự tin tưởng từ phương thức bảo mật, ii) Gia tăng lợi ích và tính dễ sử dụng, và iii) Đầu tư về công nghệ nhằm nâng cao nhận thức và quyết định sử dụng phương thức thanh toán điện tử của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Nha Trang trong các giao dịch thương mại điện tử.
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và hệ thống Internet toàn cầu đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho thương mại điện tử. Internet đã và đang trở thành phương tiện hết sức phổ biến và tiện lợi cho hoạt động truyền thông quảng cáo, hoạt động dịch vụ và thương mại (Narges Delafrooz & cộng sự, 2010). Nhờ công nghệ thông tin và Internet mà phương thức mua sắm hàng hóa và thanh toán truyền thống của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Không gian, thời gian mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng không còn bị ràng buộc và giới hạn. Họ có thể mua hàng hóa và dịch vụ ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Cùng với thương mại điện tử, các giao dịch trong hoạt động kinh doanh cũng thay đổi từ hình thức giao dịch bằng tiền mặt truyền thống chuyển sang giao dịch bằng tiền điện tử. Trên nền tảng thương mại điện tử, các giao dịch giữa các đối tác kinh doanh như B2B hoặc B2C tiếp tục phát triển, hình thức thanh toán điện tử xuất hiện để thay thế giải pháp thanh toán bằng tiền mặt như lâu nay. Có thể thấy rằng, thanh toán điện tử là một phần quan trọng nhất và không thể tách rời của thương mại điện tử. Thanh toán điện tử trở thành hình thức chủ yếu được sử dụng trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ mua sắm trực tuyến trên nền tảng của hệ thống Internet (Roy & Sinha, 2017).

Từ năm 2010 đến nay, người tiêu dùng đã có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại để chi trả cho những giao dịch trực tuyến cũng như tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm… Các hình thức thanh toán không ngừng phát triển, ngoài Visa, Master Card, Paypal còn có các hình thức mới áp dụng công nghệ như Internet Banking, Mobile Web Payment, QR Code, NFC và mPOS. Việc người tiêu dùng chuyển phương thức thanh toán từ tiền mặt sang thanh toán trực tuyến sẽ mang lại những lợi ích trực tiếp như tiết kiệm thời gian giao dịch tại ngân hàng và giảm tình trạng phạm tội liên quan tới tiền mặt; các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi đáng kể từ hình thức giao dịch mới này so với việc tiếp nhận tiền mặt và séc; một xã hội không tiền mặt, sẽ  tiết giảm chi phí cho nền kinh tế, tỷ lệ tội phạm giảm và không có lỗ hổng pháp lý sẽ tạo thuận lợi cho các chính phủ nếu chuyển sang hình thức thanh toán trực tuyến.
Mặc dù tại Việt Nam, thanh toán điện tử ra đời năm 2008 với mô hình đầu tiên là ví điện tử nhưng tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán chính (đặc biệt đối với các giao dịch có giá trị thấp), cụ thể hơn 90% giao dịch thanh toán là thanh toán bằng tiền mặt và khách hàng, người tiêu dùng vẫn thích trả tiền mặt khi nhận hàng (Cash On Delivery - COD) hơn thanh toán trực tuyến (Vũ Văn Điệp, 2017a,b). Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái để cải thiện thực tế. Cuối năm 2016, “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 –2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đã tiên phong trong việc ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào phát triển hạ tầng thanh toán, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dần hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai ứng dụng công nghệ vào hoạt động thanh toán; tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động thanh toán, bên cạnh hoàn thiện về hành lang pháp lý cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với việc phát triển hạ tầng phục vụ thanh toán, chất lượng dịch vụ thanh toán và công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt... qua đó, hoạt động thanh toán đã có những chuyển biến tích cực (Diệp Trần & Ngọc Toàn, 2018). Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là việc thanh toán điện tử vẫn chưa đáp ứng một hoặc nhiều thuộc tính của thanh toán bằng tiền mặt như: (i) tốc độ trao đổi, sự chấp nhận rộng rãi, ẩn danh, không lưu vết, miễn phí (Minh Anh, 2017) và (ii) thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch của người dân.
Bên cạnh việc ban hành các chính sách mới thì Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp khuyến khích nhằm gia tăng giao dịch không dùng tiền mặt, là những yếu tố thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử thì việc thay đổi hành vi thanh toán của người tiêu dùng cũng là một giải pháp rất quan trọng. Bởi vì, hiện nay tại Việt Nam cũng như trên địa bàn thành phố Nha Trang thì hoạt động thương mại điện tử nói chung và thanh toán trực tuyến nói riêng vẫn còn gặp khá nhiều trở ngại do tác động của nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng phương thức thanh toán điện tử của người tiêu dùng. Thu hút người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Nha Trang sử dụng hệ thống thanh toán điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử là phù hợp với “Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020” ban hành tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ và mới đây là Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công”, “Chương trình hành động đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn giai đoạn 2018-2020” được ban hành tại Công văn số 3857/UBND-KT ngày 20/4/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Võ Quang Hòa
Ngân hàng nhà nước Việt Nam, CN tỉnh Khánh Hòa
TS. Nguyễn Văn Ngọc
Khoa Kinh tế, Trường đại học Nha Trang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây